Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn lãi suất 2-4%

2021-01-18 08:01:04

Tại hội thảo lấy ý kiến về việc triển khai cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ngày 14/1, bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch hội đồng thành viên của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, để tự chủ hơn trong việc hỗ trợ, sắp tới quỹ sẽ trực tiếp cho khối doanh nghiệp này vay với lãi suất thấp.

Theo đó, lãi suất cho khoản vay ngắn hạn là 2,16% và 4% đối với trung dài hạn. Đối tượng tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp này là SME khởi nghiệp sáng tạo hoặc nằm trong các chuỗi giá trị, tham gia liên kết ngành. Ngoài ra, tỷ lệ chấp nhận rủi ro được phép của quỹ này là 5%.

Bà Đỗ Thị Bích Mai, Giám đốc khối vận hành Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), đánh giá việc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai cho vay trực tiếp doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt vào thời điểm nhiều doanh nghiệp gặp khó vì dịch bệnh. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý quỹ nên hợp tác cùng với các ngân hàng trong một số công đoạn nhằm quản lý dòng tiền sau cho vay.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, là một trong các quỹ tài chính ngoài ngân sách triển khai cho vay lãi suất ưu đãi dành cho một số đối tượng nhà nước khuyến khích phát triển. Quỹ này thành lập từ năm 2013 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Qua 3 năm chính thức hỗ trợ tài chính cho SME chủ yếu bằng cách uỷ thác qua ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, các doanh nghiệp được rót vốn đã có hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, đặc biệt có nhiều đơn vị sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách Nhà nước cấp cho quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS) chia sẻ, mục tiêu của quỹ không phải vì lợi nhuận mà là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Với nguồn lực hiện tại, quỹ này sẽ hỗ trợ cho vay chưa đến 5% tổng doanh nghiệp, 95% còn lại vẫn phải tiếp cận vốn vay ngân hàng và định chế tài chính khác. Tuy vậy, ông cho đây là "bước tiến đáng để thực thi" nhằm hỗ trợ cho SMEs - gần như đang phải đứng ngoài vòng tín dụng ngân hàng.

Tham vấn cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại hội thảo, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Viện phó chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, quỹ phải xác định rất rõ đối tượng cũng như tập trung cho vay chủ yếu ngắn hạn hay trung dài hạn. Theo ông, quỹ nên kết hợp với các ngân hàng để cho SME vay hợp vốn nhằm khắc phục hạn chế về vốn, con người cũng như kỹ năng phân tích thẩm định tín dụng

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp với SME, ông Hoè cho rằng nếu hỗ trợ nhưng yêu cầu tất cả khoản vay phải có tài sản đảm bảo thì rất khó cho doanh nghiệp. Ông đề nghị quỹ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cho vay tín chấp hoặc nhận tài sản đảm bảo bằng các tài sản hình thành từ vốn vay.

Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã – cũng là một trong các quỹ ngoài ngân sách hoạt động tương tự quỹ phát triển SME, đồng ý rằng, quy định hiện nay cho phép các quỹ tài chính ngoài ngân sách được cho vay cả theo tín chấp hoặc có tài sản đảm bảo.

Dù được phép cho vay tín chấp nhưng quy định cũng nói rõ rằng quỹ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không bảo toàn được vốn. "Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tương tự hợp tác xã là những đối tượng yếu thế, dự phòng tài chính kém, năng lực quản lý thấp, tính minh bạch lại càng không có. Do đó, cho vay tín chấp rất khó, còn cho vay trung dài hạn thì "đêm dài lắm mộng", ông Bằng chia sẻ và cho biết Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã trước giờ cũng chưa dám cho trường hợp nào vay tín chấp.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng quỹ cần phối hợp với các đầu mối như hiệp hội hoặc chính quyền địa phương để có thông tin nhiều hơn trong việc giải ngân cho doanh nghiệp.

Theo Quỳnh Trang(Vnexpress)