Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII về tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách , xác định, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “ lợi ích nhóm ”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật. Phát huy vai trò và nâng cao chất lượng phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu và giải pháp do Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII đề ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh, trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp...
Cùng với đó, Chính phủ cũng đưa ra phương châm, ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, các luật phải được xây dựng trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đi đôi với trách nhiệm người đứng đầu. Trong đó Chính phủ và các bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra...; luật pháp phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và giải quyết hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 18/11/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”.
Chủ trương xuyên suốt là như vậy, thế nhưng, thực tế triển khai, một số chính sách đang được xây dựng, hoàn thiện cũng chưa thể hiện được tinh thần chỉ đạo ấy, khi những góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp vẫn bị cơ quan soạn thảo “ngó lơ”, thậm chí, các quy định được đưa vào Dự thảo đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo) là một trong những chính sách khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại trong suốt thời gian qua, dù là một chính sách lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, thế nhưng, nhiều quy định tại Dự thảo đang không chỉ không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn khiến phát sinh thủ tục hành chính, tạo cơ chế xin - cho.
Cụ thể, trong cuộc họp với 15 Hiệp hội ngày 18/10/2021, sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Ban Soạn thảo sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Dự thảo cho 4 nội dung lớn (cấp phép, quan trắc, thủ tục hành chính và trách nhiệm mở rộng). Tuy nhiên, trong Dự thảo mới nhất mà đơn vị này trình Chính phủ để xem xét ban hành, ngoài một số vấn đề đã được giải quyết, vẫn còn nhiều tồn tại, không đảm bảo được quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, khó áp dụng vào thực tế và không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp.
>> Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế
Đáng nói, trước những hạn chế, bất cập đang tồn tại của Dự thảo như: quy định tại Điều 28 về Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp GPMT; Điều 29 về Hồ sơ trình tự thủ tục cấp GPMT; Điều 30 về Cấp đổi điều chỉnh cấp lại thu hồi GPMT; Điều 25 về Tiêu chí về môi trường và phân loại dự án đầu tư; Điều 31 về Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp GPMT; và Điều 97 về Quan trắc nước thải, cộng đồng doanh nghiệp cũng có không ít kiến nghị, góp ý gửi đến cơ quan soạn thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên, những góp ý, kiến nghị này đều bị… “bỏ quên”.
Vậy, với trường hợp này, người dân và doanh nghiệp đang ở đâu trong xây dựng và hoàn thiện thể chế? Lợi ích nào khiến cơ quan soạn thảo vẫn “ngó lơ”?.
Chưa kể, trước những quan ngại đã nêu, sau kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 23/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7741/VPCP-NN về việc ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.
Nội dung văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của các Hiệp hội liên quan theo tinh thần chỉ đạo, “… đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh” mà văn bản số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 của Văn phòng Chính phủ đã nêu.
Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện tinh thần Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII bằng những chỉ đạo xuyên suốt, đến Bộ ngành vì đâu chưa hiện thực hóa?
Xin được nhắc lại Luật Bảo vệ môi trường 2020 là một Luật lớn có tác động sâu rộng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020 là “kim chỉ nam” đưa Luật vào thực tiễn, nếu không giải quyết được những vướng mắc, hạn chế đang tồn tại mà đã vội thông qua, không chỉ khó đưa chính sách vào áp dụng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực lên hoạt động sản xuất, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.