Doanh nghiệp ứng phó với suy thoái: Giữ đơn hàng, giữ dòng tiền

2022-10-03 07:55:00

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần có 2 kịch bản để sẵn sàng ứng phó.

>>> Linh hoạt ứng phó với lạm phát kỳ vọng tăng cao

LTS: Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đã có dấu hiệu lâm vào khó khăn vì các thị trường chính cắt giảm chi tiêu.

- Trong môi trường kinh doanh biến động, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, giảm cầm… yếu tố nào sẽ làm khó các doanh nghiệp Việt Nam và khó gỡ nhất, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã rất khó khăn, mà khó khăn không hoàn toàn là vì lãi suất tăng cao. Không ít người cho rằng lãi suất tăng cao sẽ làm tăng gánh nặng chi phí của doanh nghiệp, nhưng vấn đề đáng sợ hơn là tình trạng giảm đơn hàng, hàng tồn kho tăng lên, doanh nghiệp không có đơn hàng mới và dự báo tình trạng này sẽ nặng thêm cho đến hết năm 2023.

Do đó, có thể nói chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng lên, là do hệ quả của lạm phát - chủ yếu là lạm phát giá hàng hóa do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy trong đại dịch + tác động giá leo thang bởi chiến tranh Nga - Ukraine, một phần do chính sách tiền tệ mở rộng để cứu nền kinh tế thoát 19-19 (chủ yếu ở các nước phát triển). Hay nói cách khác không một quốc gia, chính phủ nào muốn thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân. Nếu tăng lãi suất quá cao, người dân nói chung sẽ giảm chi tiêu, nền kinh tế giảm sức cầu. Việc cắt giảm chi tiêu từ các thị trường nhập khẩu chính đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

- Khi tiền tệ thắt chặt hầu như trên toàn cầu, llệu sẽ xảy ra tình trạng suy kiệt tài chính lan rộng và doanh nghiệp sẽ "kẹt" dòng tiền?

Trên thực tế, tình trạng giảm đơn hàng cũng đã xuất hiện vào giai đoạn tháng 4-5, khi giá dầu thế giới tăng rất cao và áp lực chi phí năng lượng khiến doanh nghiệp phải giảm công suất. Đó cũng là thời điểm cao trào của chiến tranh Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng mới. Khi đó, nguy cơ về việc thiếu hụt đơn hàng, giảm việc làm theo “độ trễ” 3-6 tháng, ngay lúc này mới bộc lộ rõ.

>>> Xây dựng Chiến lược huy động vốn: Đa dạng các nguồn vốn cho doanh nghiệp

Riêng với vấn đề lãi suất, doanh nghiệp Việt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có nhiều nguồn/ kênh vốn khác. Việc tăng lãi suất, tăng chi phí tài chính thì thường được doanh nghiệp phân bổ vào kết cấu giá thành và nó không hoàn toàn trùng với tỷ lệ tăng của lãi suất. Điều quan trọng nhất vẫn là: Khi không bán được hàng, doanh nghiệp nguy ngập đứt dòng tiền. Trong 3-6 tháng tới và trung hạn, có thể nói kinh tế toàn cầu đang tiến vào một giai đoạn suy kiệt tài chính với cung tiền bị co lại rất mạnh, song song với việc co lại của cầu tiêu dùng. Theo đó thì áp lực lãi suất chỉ là một phần của vấn đề.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước. Nguồn: TCTK

- Trong bối cảnh “xám” như vậy, những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của Chính phủ còn dư địa để tinh chỉnh, mở rộng hiệu quả hơn?

Trong khoảng 3 năm 2019-2021 gần đây, kinh tế Việt Nam chủ yếu đi “một chân” - phụ thuộc xuất khẩu. Và các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thì thị trường nội địa cũng gặp ngay vấn đề lớn. Khi đơn hàng xuất khẩu giảm thì công ăn việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, tiêu dùng sụt giảm.

Trên cơ sở nhìn nhận như vậy, tôi cho rằng Chính phủ đã và đang có những chương trình hỗ trợ, lớn nhất là chương trình phục hồi và phát triển sản xuất, kinh tế 2022-2023, chắc chắn Chính phủ sẽ tiếp tục và cần thúc đẩy giải ngân sớm hơn, hiệu quả, nhanh hơn.

Trong đó, các chương trình cắt giảm giãn hoãn các loại thuế, phí như đất đai… nên được xem xét kéo dài đến hết 2023.

Gần đây, Chính phủ đang xem xét về vấn đề giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, hay đang có kiến nghị miễn hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu… Đây là các chính sách rất cần sớm được cân nhắc triển khai nhằm hạ giá thành năng lượng hơn nữa.

Song song, cần hỗ trợ trực tiếp để kích thích tiêu dùng, đầu tư, nâng cao sức cầu theo chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% lẫn mở rộng hỗ trờ tiêu dùng trực tiếp đến người dân.

- Về phía doanh nghiệp, giải pháp nào để ứng phó với suy thoái, thưa ông?

Doanh nghiệp phải đặt mục tiêu trọng tâm giữ được đơn hàng, giữ được khách hàng, giữ được dòng tiền không đứt đoạn. Còn thị trường thì còn sản xuất, công nhân còn có công ăn việc làm, doanh nghiệp còn cơ hội tăng tốc khi phục hồi. Như vậy phải chấp nhận đàm phán với khách hàng, giảm giá tăng đơn hàng, cầm cự. Trong quản trị tài chính, cần giảm mọi chi phí đầu tư mở rộng để cấu trúc dòng tiền an toàn nhất. Áp dụng công nghệ để quản lý khép kín chuỗi sản xuất tránh tồn kho cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể quay về sân nhà, giảm tải tồn kho một phần với liên kết các nhà phân phối nội địa, sử dụng thương mại điện tử, bán hàng có niêm yết giá thành xuất khẩu và giá thành khuyến mãi bán nội địa…

Cuối cùng, doanh nghiêp tùy thuộc đặc thù riêng mà xây dựng 2 kịch bản từ nay đến hết 2023 là: Các thị trường không suy thoái và các thị trường suy thoái. Các giải pháp quản trị cần bám sát theo 2 kịch bản và theo dõi mọi biến động để chủ động ứng phó.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.