Doanh nghiệp thời kỳ đổi mới “thoát kén chuyển mình”

2022-10-11 09:11:00

Các quy tắc đạo đức doanh nhân chính là kim chỉ nam để mỗi doanh nhân phát huy hết vai trò lãnh đạo, đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập Quốc tế.

>> Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Tuấn Hải – CEO VMO Holdings với PV Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và trao giải "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022".

Hoàng Tuấn Hải – CEO VMO Holdings

- Xin ông cho biết thách thức của Doanh nhân trong thời kỳ mới là gì? Làm gì để Doanh nhân Việt Nam phát huy hết vai trò của mình, thưa ông?

Doanh nghiệp trong thời kỳ nào cũng gặp phải đối mặt với những thách thức nhất định. Đầu tiên đó là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xác định cần có các cơ chế tốt hơn để thích ứng với những biến đổi cũng như tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc do khủng hoảng đến từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt cần có tâm thế chủ động, linh hoạt trước những biến động của nền kinh tế. Thứ hai là tính toàn cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy toàn cầu hoá, không ngại thử thách, tự tin hội nhập quốc tế sâu rộng để thích ứng và có những thay đổi kịp thời trong chiến lược kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, từng bước làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, cải thiện vị trí của doanh nghiệp và nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thị trường nước ngoài vốn đa dạng và đòi hỏi yêu cầu cao, việc thoát khỏi vùng an toàn vừa là thử thách cũng là cơ hội dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp thời kỳ đổi mới “thoát kén chuyển mình”.

Cùng với những yếu tố trên thì đạo đức doanh nhân, tinh thần thượng tôn pháp luật, các hoạt động trách nhiệm xã hội phải gắn với sứ mệnh dân tộc. Các quy tắc đạo đức doanh nhân chính là kim chỉ nam để mỗi doanh nhân phát huy hết vai trò lãnh đạo, đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập Quốc tế. Bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

- Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Doanh Nhân Việt Nam - 13/10, VCCI tôn vinh và trao giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Ông có chia sẻ đặc biệt nào về hoạt động này của VCCI?

Như chúng ta đã biết VCCI với vai trò là cầu nối giữa chính phủ và doanh nghiệp, cơ quan đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi thấy rằng VCCI đã luôn tích cực đồng hành, lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp, với mục tiêu chung là cùng xây dựng Việt Nam trở thành một môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lý tưởng, nơi doanh nghiệp có cơ hội được thử sức, phát triển bền vững và không ngừng cống hiến vì sự phát triển của đất nước.

Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng danh giá dành cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Điều đặc biệt ở đây nằm ở bộ tiêu chí, trong đó tôi thấy ấn tượng nhất chính là tiêu chí về đạo đức doanh nhân.

Đạo đức doanh nhân có lẽ vẫn là cụm từ nghe hơi xa lạ. Bởi khi nhắc đến doanh nhân, chúng ta thường nghĩ đến những người không gắn liền với lợi ích quốc gia và gần đây xảy ra những vấn đề không liêm chính của một số doanh nhân, đi ngược lại với các quy tắc đạo đức doanh nhân. Những điều này vô hình chung làm ảnh hưởng đến uy tín và định nghĩa về doanh nhân, nhưng tôi tin rằng đó chỉ là số ít, không phải đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam chân chính.

Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập kinh tế, chúng ta cũng thấy rõ các sản phẩm của nước ngoài thường được ưa chuộng và luôn chiếm được niềm tin của khách hàng Việt, dù có giá thành cao hơn. Trong khi các sản phẩm made in Vietnam và make in Vietnam đều có sự đảm bảo về chất lượng không hề thua kém và giá cả cạnh tranh thì lại chưa được công nhận. Phải chăng người Việt chưa tin thương hiệu Việt?

Để tạo dựng niềm tin, gia tăng sức cạnh tranh, việc xây dựng uy tín thương hiệu mà tiêu chí đi đầu chính là văn hóa đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh phải bắt nguồn từ chính doanh nhân, trong đó đạo đức là nền tảng. Các giá trị cốt lõi của VMO là khát vọng, minh bạch, tận tâm và hiệp lực. Đó cũng là kim chỉ nam để tất thảy từ ban lãnh đạo và nhân sự của VMO điều chỉnh mọi hành vi của mình.

Đạo đức doanh nhân cũng được thể hiện ở sự minh bạch, rõ ràng, khi việc xét duyệt năm nay chính thức áp dụng yêu cầu thẩm định thực tế. Hội đồng bình xét bao gồm các nhóm chuyên gia, thẩm định, đại diện báo chí,… sẽ tới từng doanh nghiệp xác minh, đồng thời gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với từng doanh nhân trong hồ sơ đăng ký xét duyệt. Danh hiệu cao quý này là minh chứng rõ nhất cho uy tín thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân của các doanh nhân tiêu biểu trên cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho VMO Holdings nhân kỷ niệm 10 năm thành lập

- Với những gì VCCI đã và đang làm với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông có đề xuất kiến nghị gì, thưa ông?

Với những kinh nghiệm vượt qua khó khăn từ giai đoạn bắt đầu bước vào cho đến khi chinh phục thành công các thị trường lớn trên thế giới, tôi bày tỏ mong muốn VCCI sẽ tiếp tục là cầu nối thúc đẩy mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiến ra các thị trường Quốc tế như: đồng hành, hỗ trợ và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cấp cao, giúp kết nối các doanh nghiệp có năng lực chuyên môn ở nhiều lĩnh vực tại Việt Nam hợp tác với nước ngoài.

Đồng thời, kiến nghị VCCI nghiên cứu và thành lập một văn phòng chung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại nước ngoài, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp không phải tốn quá nhiều thời gian, công sức do phải đáp ứng thủ tục visa cho nhân sự hay phải thành lập chi nhánh tại nước ngoài ngay lập tức.

Về chính sách, tôi hi vọng các doanh nghiệp Việt Nam dưới sự chủ trì và hướng dẫn của VCCI có thể cùng nghiên cứu một chiến lược cụ thể, lâu dài để xây dựng, khẳng định và phát triển uy tín thương hiệu Việt nói chung và ngành dịch vụ phần mềm của Việt Nam nói riêng, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ giúp việc quảng bá các thương hiệu Việt Nam đến các thị trường mục tiêu tại nước ngoài được nhanh hơn, cũng như phản ánh đúng năng lực của những doanh nghiệp đại diện Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.