Áp lực tài chính lớn
Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hàng về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; tổng giá trị gói hỗ trợ ước tính gần 20.000 tỷ đồng là tin vui đối với các doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh. Đến ngày 27/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, theo đó, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn mà dịch bệnh còn phức tạp.
Trước đó, trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Tuy vậy, ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư đã vượt ngoài dự báo, khi nhiều tỉnh, thành phố vốn là trung tâm kinh tế đã phải áp dụng giãn cách kéo dài. Việc thực thi gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo nghĩa là được phép nộp chậm tiền thuế, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành số thu nộp vào ngân sách nhà nước khi đến hạn, cộng dồn với các chi phí hoạt động trong thời gian giãn cách, đặc biệt sau khi mở cửa, thì áp lực tài chính với doanh nghiệp vẫn còn rất lớn.
Trao đổi với báo chí, đại diện công ty vận tải Khánh Thủy cho biết, lĩnh vực vận tải gặp nhiều khó khăn không chỉ bởi ngăn sông cấm chợ vì dịch, mà gần đây xăng dầu tăng giá khiến doanh nghiệp cũng tăng thêm gánh nặng. Trong khi đó, các khoản chi phí trên đường nhiều, cho nên mong nhà nước có thêm các biện pháp khắc phục, giúp doanh nghiệp nhà xe đỡ phần nào áp lực.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ: “ Thực tế t oàn bộ các nguồn lực trong doanh nghiệp đã dồn hết vào các kỳ trước và đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nợ thuế thì phải trả lãi , dẫn đến lãi mẹ đẻ lãi con nên càng lâm vào khó khăn ”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Kết quả khảo sát nhanh của Tổng cục cho biết, trong tháng 9/2021, có 94,3% doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề vì đại dịch. Tại 19 tỉnh thành phía Nam, con số này là 98,9%, riêng tại Đông Nam bộ tới 99,1% doanh nghiệp gặp khó và tại Đồng bằng sông Cửu Long là 98,7%.
Những giải pháp về thuế của Chính phủ trong năm 2020-2021 được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá cao là kịp thời để hỗ trợ nên kinh tế, chính vì vậy, Nghị quyết số 406/2021 của Quốc Hội khóa 15 được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp tạo sức đề kháng, vượt khó khăn trong giai đoạn này.
Theo ông Nguyễn Công Suất, Tổng Giám đốc công ty Gấc Việt Nam chia sẻ, dù công ty chỉ là doanh nghiệp nhỏ, cũng chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ, nhưng trong bối cảnh chung và nằm trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, khi có những cơ chế chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, cũng như cho các ngành nông sản nông nghiệp và sản xuất hàng hóa trong xã hội nói chung thì là điều đáng mừng. Trong một cộng đồng doanh nghiệp giàu mạnh, sẽ cùng gồng gánh nhau tiến bộ đi lên.
Kéo dài thời gian giảm thuế
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động thương mại, dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 3 quý 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế, như ngành bán buôn bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%; ngành lưu trú và ăn uống giảm 23,18%.
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, vận tải, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ hàng hóa theo Nghị quyết 406 mang lại nhiều cơ hội phục hồi sau giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được kéo dài thời gian giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng cho quý 3 và quý 4 năm nay.
Xoay quanh vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hà Nội Tourist kiến nghị: “ N hững chính sách giảm thuế phí của Chính phủ nên kéo dài đến hết quý 1 và tốt nhất là quý 2 / 2022 , bởi vì mùa du lịch nội địa của năm nay gần như đã qua và quý 4 tình hình dịch vẫn đang còn phức tạp ”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tiền trang trải chi phí sản xuất, chi phí phòng chống dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đang phải thực hiện theo các mô hình như 3 tại chỗ ở khu vực phía Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tích cực tuyển dụng, từ đó gia tăng mở rộng sản xuất đáp ứng các đơn hàng khi mở cửa trở lại.
Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn giao Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh. Các Bộ ban ngành, cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần có sự chủ động nhất định trong việc phối hợp triển khai quyết sách được ban hành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và kịp thời điều chỉnh nếu cần.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về việc tổ chức, thực hiện chính sách cần chuẩn bị một lực sẵn sàng, một cơ chế minh bạch, hay tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người thụ hưởng, là những giải pháp mà nhiều chuyên gia đã đề xuất, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất: “ V ề quan điểm chung , định hướng chung , thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa , tôi rất mong muốn các chính sách tới đây phải tập trung nhiều vào khu vực thực thi chính sách . Để t ổ chức thực hiện và làm tốt việc này , cần phải chuẩn bị hai điều kiện quan trọng : M ột là nguồn lực phải sẵn sàng để các doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ mới , nhận được hỗ trợ ngay . Hai là phải có một cơ chế thật minh bạch , vì chỉ có minh bạch mới làm cho hỗ trợ hiệu quả hơn , sự minh bạch cũng làm cho những tồn tại bị loại bỏ, không còn rào cản gây khó cho các đối tượng thụ hưởng”.
Còn theo Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang đối mặt với đảm bảo dòng tiền và các khoản lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, khách sạn. Chính vì vậy, ngoài các chính sách về thuế, phí giúp giảm gánh nặng cho họ, thì nên tập trung mạnh vào khả năng thanh khoản và khả năng thanh toán, đảm bảo sự tồn tại hay phá sản của các doanh nghiệp; Ổn định và phát triển kinh doanh sau dịch bệnh mới là đích đến.