Rất nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra cho doanh nghiệp khoa học – công nghệ (KHCN), thế nhưng nhiều năm qua, chính sách thì cứ lơ lửng mà các doanh nghiệp KHCN vẫn dài cổ chờ tiếp cận.
Rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp khoa học - công nghệ không thể sản xuất đại trà vì thiếu vốn. (Giới thiệu sản phẩm công nghệ tại Techfest Hải Phòng 2023. Ảnh: P.V)
Công ty TNHH Thương Nam (524 Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) là một trong số ít doanh nghiệp KHCN đầu tiên của thành phố Hải Phòng. Với những sản phẩm khá độc đáo trong lĩnh vực Y tế như, đặc biệt trong vật lý trị liệu, điều trị thoái hóa đốt sống: Giường bách hợp, Máy kéo giảm áp đa khớp, Xà kéo giãn uốn và nắn chỉnh cột sống,… đã được sáng chế và sản xuất trong nước.
Những sản phẩm này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế; Bộ Y Tế chứng nhận và cấp phép; Kiểm định và chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu phát triển và Kiểm định việt nam – Vinacontrol. Theo ông Lê Thanh Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Thương Nam, mặc dù sản phẩm rất ưu việt trong điều trị vật lý trị liệu, thoái hóa đốt sống nhưng lại rất ít người tiêu dùng biết đến do công tác truyền thông còn hạn chế. Mặt khác, nguồn kinh phí hạn hẹp nên doanh nghiệp chưa thể mở rộng sản xuất với dây chuyền hàng loạt và quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Không chỉ riêng Thương Nam, trên địa bàn Hải Phòng hiện có rất nhiều doanh nghiệp KHCN gặp cảnh tương tự. Ý tưởng tốt, sản phẩm tốt nhưng ngặt nỗi thiếu kinh phí mở rộng sản xuất và quảng bá sản phẩm mặc dù các doanh nghiệp này được sự hỗ trợ rất tốt từ Sở Khoa học và Công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, sau khi có Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN, thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng đến năm 2025 nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp được hưởng những chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các tổ chức tư vấn phát triển doanh nghiệp KHCN; Kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, chuyển giao công nghệ; Kinh phí đào tạo, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp,…
Ngoài những chính sách ưu đãi theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cũng là lực lượng “phản ứng nhanh” khi các doanh nghiệp có vướng mắc về thuế, đất đai hoặc các thủ tục về đăng ký, bảo hộ sản phẩm và đặc biệt tư vấn chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ với rất nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra cho doanh nghiệp KHCN, đặc biệt ưu đãi thuế, tiền thuê đất, vốn vay,… Thế nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp KHCN lại rất khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi này.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đối với 167 doanh nghiệp thành viên cho thấy, đa số các doanh nghiệp KHCN không được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 13. Theo đó, mới chỉ có 6 doanh nghiệp được ưu đãi theo Nghị định này với tổng số tiền ưu đãi là 91 tỷ đồng. Trong khi đó, 18 doanh nghiệp chưa biết tiếp cận cơ chế ưu đãi như thế nào. 01 doanh nghiệp có doanh thu sản phẩm khoa học công nghệ không đủ tỷ lệ 30% để nhận ưu đãi; 01 doanh nghiệp nộp hồ sơ nhưng chưa được duyệt; 141 doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi,...
Một mâu thuẫn khá lớn trong việc ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp KHCN, đó là, doanh nghiệp KHCN phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp KHCN vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi. Chưa kể, thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhưng sản phẩm đáp ứng điều kiện để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm KHCN lại không nhiều.
Một khó khăn lớn nữa của doanh nghiệp KHCN đó là nguồn vốn. Rất nhiều doanh nghiệp KHCN đều cho rằng ngân sách cho hoạt động khoa học và công nghệ còn rất ít và thủ tục thì nhiều và khó giải ngân. Để giải bài toán khó khăn này, ông Lê Thanh Sơn – Giám đốc công ty TNHH Thương Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh đối với các doanh nghiệp KHCN khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Mặt khác, để thực tiễn hóa chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN, ông Sơn cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng coi hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiết thực của Nhà nước.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Hội trường tầng 4, khách sạn Beijing ...
Khách sạn Cửa Đông Luxury, số 12A Lê...
Tp Vinh Nghệ An