Bất chấp dịch bệnh và những bất ổn của kinh tế thế giới, các nước không ngừng xây dựng mới, sửa chữa, bổ sung các biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
>>> Việt Nam mong muốn Pháp gỡ bỏ các rào cản thương mại
Đây là vấn đề được bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đề cập khi trao đổi về tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Anh và EU.
Năm 2022, thông qua việc thực hiện các FTA, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường châu Âu, Anh đã tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, những thị trường này còn nhiều dư địa để gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hoá, nhất là các nông sản, hàng hoá chủ lực.
Thị trường châu Âu, nhất là thị trường Anh tuy có mức thuế quan ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen ( UKVFTA ) nhưng là thị trường mới, thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cao. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh do lo ngại những rào cản kỹ thuật.
Thông tin về những tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thị trường Anh, bà Tôn Nữ Thục Uyên cho biết: sau khi rời EU, Anh ban hành quy định mới liên quan đến Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là hiệp định TBT). Hiệp định TBT của WTO là một trong những hiệp định điều chỉnh về thương mại hàng hoá nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp không phân biệt đối xử, không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại. Đây là những quy định liên quan đến thử nghiệm và chứng nhận với sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.
Từ tháng 3/2021 - thời điểm rời EU đến nay, Anh thông báo xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung 34 quy định liên quan đến TBT, chiếm 35% tổng số quy định TBT mà Anh đã sửa đổi từ năm 1997 đến nay. Điều này cho thấy, nước Anh đang xây dựng và ban hành quy định TBT mới. Về cơ bản, các quy định liên quan đến TBT của Anh phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng theo bà Tôn Nữ Thục Uyên cho rằng, Anh có thể đưa thêm những quy định riêng nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hoá nhập khẩu vào Anh. Vì vậy, trong thời gian tới doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào Anh phải phân biệt rõ những quy định của EU và quy định của Anh.
Thông tin thêm về việc thực hiện hiệp định TBT, bà Tôn Nữ Thục Uyên cho biết: bất chấp dịch bệnh, cùng với nước Anh, nhiều nước khác cũng đang tích cực xây dựng, sửa chữa, bổ sung nhiều quy định, biện pháp liên quan đến TBT. Cụ thể, năm 2021 có khoảng 4.000 quy định về TBT được sửa đổi, gấp 2 lần so với năm 2015. Đến tháng 12 năm nay, con số quy định liên quan đến TBT được sửa đổi đã lên khoảng 6.000, gấp rưỡi so với năm trước.
Đặc biệt, châu Âu là một trong 10 nước đưa ra nhiều quy định liên quan đến TBT và bị nêu ra nhiều quan ngại thương mại nhất trong phiên họp của WTO. Thông tin về nội dung này, bà Tôn Nữ Thục Quyên nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt cần biết và tìm hiểu.
Theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, trong cam kết của hiệp định TBT, các nước phải thông báo dự thảo biện pháp TBT cho các nước khác có ý kiến. Trong trường hợp các biện pháp gây cản trở thương mại quá mức cần thiết, biện pháp quá khắt khe hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp có quyền góp ý ngay từ đầu. Như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động gỡ bỏ rào cản ngay từ khi rào cản đó chưa hình thành.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc, dù Việt Nam đã tham gia thực thi quy định của hiệp định TBT nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu và nắm rõ quyền lợi của mình.
Qua quá trình tiếp xúc và làm việc với các doanh nghiệp Việt, bà Tôn Nữ Thục Uyên nhận thấy, rào cản lớn nhất của nhiều doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận tiêu chuẩn kỹ thuật trong hiệp định TBT là ngôn ngữ, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ . Các quy định kỹ thuật vốn không dễ dàng tiếp cận, đọc và hiểu bằng tiếng Việt đã khó, các ngôn ngữ khác còn khó hơn. Theo quy định của WTO, ngoài tiếng Anh các nước thành viên có thể sử dụng thêm tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
Để tìm hiểu thông tin về hiệp định TBT, lãnh đạo Văn phòng TBT Việt Nam thông tin: doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm trên trang web của WTO. Đặc biệt, Văn phòng TBT Việt Nam đã chuyển đổi ngôn ngữ thông tin về hiệp định TBT sang tiếng Việt để doanh nghiệp dễ tra cứu, tìm hiểu thông tin. Hiện nay, chỉ riêng Việt Nam mới có sự chuyển đổi ngôn ngữ này và được WTO đánh giá cao.
Ở góc độ thương mại, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh nhìn nhận các quy định liên quan đến TBT lại mang đến những hiệu ứng tích cực cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Anh nói riêng và các thị trường nói chung.
“Vương quốc Anh có thể được xem là cái nôi của các hệ tiêu chuẩn trên thế giới và tiêu chuẩn của Anh được xếp vào hạng lâu đời nhất trong hệ tiêu chuẩn của thế giới. Dù biết là đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn của Anh mất thời gian nhưng bù lại, khi doanh nghiệp giới thiệu là hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn của Anh sẽ tạo ra hiệu ứng tốt về quảng bá, tiếp thị sản phẩm hàng hoá cũng như hiệu ứng tốt với người tiêu dùng tại thị trường Anh và các thị trường lớn. Do vậy, doanh nghiệp đừng quá e ngại thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sản phẩm sang Anh cũng như nỗ lực vượt qua rào cản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác để phát triển bền vững” - ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...