Để ứng phó trước nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2023, các tập đoàn đa quốc gia cần chủ động rà soát hoạt động kinh doanh, bao gồm các vấn đề giao dịch liên kết.
>>> Định hướng quản lý giá giao dịch liên kết và trị giá hải quan hàng nhập khẩu
Sau hệ lụy kéo dài của đại dịch Covid-19 như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với suy thoái kinh tế, lạm phát, căng thẳng Nga-Ukraina chưa chấm dứt, và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng trong năm 2023.
Đặc biệt, đối với vấn đề giao dịch liên kết, các tập đoàn đa quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp như chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến chính sách giá hiện tại có thể không còn phù hợp, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh, làm giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ trong năm. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất tăng trong ngắn hạn cũng tác động không nhỏ đến chi phí lãi vay, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ để đánh giá những khó khăn hiện tại và chuẩn bị trước những phương án ứng phó với những thách thức trong năm tới.
Cân nhắc thỏa thuận nội bộ tập đoàn
Trong hầu hết các chuỗi cung ứng thông thường, các tập đoàn thường có các đơn vị chịu rủi ro thấp, như các nhà phân phối chịu rủi ro hạn chế và các nhà sản xuất theo hợp đồng. Những đơn vị này thông thường sẽ đạt được mức lợi nhuận ổn định. Như vậy, việc kết quả hoạt động sụt giảm trong tình hình suy thoái cần sự điều chỉnh về chính sách giá để đảm bảo các đơn vị này đạt được mức lợi nhuận như trong điều kiện bình thường, nhằm tránh những truy vấn có thể phát sinh từ các bên có liên quan như nhà cung cấp, khách hàng, cổ đông và đặc biệt là cơ quan thuế.
Định lượng tác động của suy thoái kinh tế
Để chứng minh tình hình biến động lợi nhuận là do bối cảnh đặc biệt của tình hình kinh tế hiện tại, chứ không phải các hành vi chuyển giá, các công ty nên xem xét việc ghi nhận, phân tích và định lượng các nguyên nhân thương mại, tài chính, kinh tế tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh. Việc ghi nhận và định lượng các tổn thất liên quan đến các nguyên nhân trên cần được thực hiện một cách hợp lý và nhất quán.
Đặc biệt, trước kỳ quyết toán thuế năm tài chính 2022 đang đến gần, doanh nghiệp cần chủ động rà soát và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng từ chứng minh tính tuân thủ. Ví dụ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cần ghi nhận các khoản lỗ hoặc sụt giảm về biên lợi nhuận, và phân tích so sánh chứng minh việc sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp là phù hợp với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, cũng như tương đồng với kết quả kinh doanh của các công ty so sánh trong toàn ngành.
>>> Chính sách hỗ trợ thuế và giao dịch liên kết – “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Rà soát chi phí lãi vay
Trước thực trạng chi phí lãi vay tăng chưa được kiểm soát hoàn toàn trong ngắn hạn, doanh nghiệp nên chủ động rà soát, xác định lại chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định và tính toán số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thừa hoặc cần bổ sung; đồng thời cập nhật và chuẩn hóa phương thức xác định chi phí lãi vay được trừ cho mục đích kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc các chiến lược phù hợp liên quan đến xây dựng, tái cơ cấu các giao dịch tài chính; điều phối vốn nội bộ tập đoàn, các khoản vay nhằm tối ưu hóa cơ chế bù trừ và cơ chế chuyển tiếp; cân nhắc chiến lược tối ưu chi phí thuế trên phương diện tập đoàn ở nhiều cấp độ như: tái cấu trúc chuỗi giá trị, các giao dịch tài chính nội bộ; tái cấu trúc nguồn vốn và cơ cấu dòng tiền; rà soát và tái thiết lập chính sách vay, cho vay nội bộ và các giao dịch khác để tối ưu cơ chế bù trừ hoặc chuyển chi phí lãi vay qua các năm.
Tái cấu trúc tập đoàn
Khi quyết định đóng cửa hoặc dịch chuyển một số cơ sở sản xuất, phân phối, các tập đoàn đa quốc gia cần đánh giá lại cấu trúc tập đoàn và các giao dịch liên kết. Cho dù quyết định tái cấu trúc này là tạm thời hay lâu dài, các giao dịch liên kết mới sẽ phát sinh thêm hoặc một số giao dịch liên kết hiện tại sẽ ghi nhận thay đổi trọng yếu hoặc không phát sinh nữa. Theo đó, trong quá trình cân nhắc các hoạt động tái cấu trúc, tập đoàn cần cân nhắc tới chức năng của từng công ty cũng như các điều kiện thực tế mà mỗi công ty đang gặp phải; rà soát, điều chỉnh chính sách giá nhằm thể hiện sự phân chia lại các chức năng, tài sản và rủi ro của mỗi công ty trong tập đoàn.
Trong “nguy” có “cơ”, trong thời kỳ bất ổn nào cũng tiềm ẩn những cơ hội mà doanh nghiệp có thể tận dụng nếu được chuẩn bị kỹ càng . Nếu thực hiện tốt các biện pháp trên, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua suy thoái trong ngắn hạn, mà còn có sự chuẩn bị toàn diện và tốt hơn trong dài hạn.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...