Để xuất kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân

2022-11-22 09:06:00

Hàng loạt rào cản, khó khăn và thách thức đang bủa vây khiến phần lớn doanh nghiệp tư nhân đối diện với tình thế chông chênh, khó duy trì hoạt động trước khi có thể tính tới việc phục hồi…

>>Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Hàng loạt rào cản, khó khăn và thách thức đang bủa vây khiến phần lớn doanh nghiệp tư nhân đối diện với tình thế "chông chênh". Ảnh minh họa

Những khó khăn “cộng hưởng”

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều cho biết, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối Quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả Quý III/2022. Bởi đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...

Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Đáng chú ý, hiện khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn. Việc này đặt các doanh nghiệp vào tình thế hết sức cấp bách, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế.

Thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023, cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.

Cụ thể, do thiếu vốn, doanh nghiệp ngành thép đối diện với khủng hoảng lớn khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện không được ngân hàng (NH) giải ngân do áp lực về room tín dụng, nên không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. doanh nghiệp nông nghiệp thiếu vốn để thu mua nguyên liệu, trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023.

Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất không thể thanh toán do chủ đầu tư không có dòng tiền, không vay được NH để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu, các công trình trì trệ…

Sau hơn 2 năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống lâu nay của doanh nghiệp tư nhân về nền tảng quản trị, công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp đối diện với tình thế chông chênh để duy trì hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ít chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các NH trong nước, nên đang có nhiều lợi thế.

Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục Thống kê, cho thấy xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh nghiệp FDI vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa 2 thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.

Đối với thách thức về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi doanh nghiệp, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong ngắn hạn, để giải quyết các bài toán cấp bách. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo; thậm chí có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất thuộc các lĩnh vực khác).

>>Kiến nghị ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp đường thủy

Đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Đề xuất kéo dài một số chính sách hỗ trợ

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), hiện tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa vay được do nhiều ngân hàng, tổ chức thực hiện cho vay vẫn còn khá dè dặt, chưa thực sự quyết liệt tạo điều kiện khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn khó tiếp cận vốn.

"Ngân hàng cần cởi bỏ sự cứng nhắc, nên linh hoạt trong khâu thẩm định hơn đối với các hình thức cho vay, chủ động hợp tác với doanh nghiệp để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn", ông Tô Hoài Nam nêu ý kiến.

Đại diện VINASME đề nghị, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn.

“Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng”, ông Nam đề xuất.

Để khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, mới đây, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...

Đối với thách thức liên quan thị trường tài chính, để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.

Mặt khác, với chính sách siết tín dụng đối với bất động sản, cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất,... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.