Hoạt động của Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19 cần đặc biệt chú ý tới những thủ tục hành chính hỗ trợ được doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, diễn ra ngày 10/9/2021.
Hình họp trực tuyến tại các điểm cầu.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (HĐTV) đã triển khai được nhiều hoạt động thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
“Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Văn phòng Chính phủ trong việc thiết lập Cổng tham vấn điện tử về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như nhiều sáng kiến của các Ban công tác, các tổ chức thành viên của Hội đồng đã triển khai trong thời gian qua” . – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhìn nhận.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Trưởng Ban đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính (Ban II), Chủ tịch VCCI cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay, VCCI đã những hoạt động chính. Cụ thể: VCCI sẽ ra mắt Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19 trong tuần tới, sẽ lập nền tảng giao dịch 24/7 để doanh nghiệp có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, địa phương. Trong Hội đồng sẽ có sự tham gia của các bộ, ngành, đồng thời thành lập tổ công tác nghiên cứu vướng mắc về TTHC, đánh giá việc triển khai các cơ chế, chính sách... Qua đó sẽ có tổng hợp, báo cáo thường xuyên đến Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC các Bộ, ngành, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Xây dựng, Bộ Công thương… thực hiện các hoạt động đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ; đo lường chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của doanh nghiệp, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện TTHC trong lĩnh vực: xuất, nhập khẩu, thủ tục liên ngành về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đánh giá mức độ khai thác thực tế của doanh nghiệp trong tận dụng lợi ích từ các FTA…
“Các hoạt động này đã góp phần chuyển tải đầy đủ thông tin của các doanh nghiệp tới các cơ quan Nhà nước có liên quan để kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, đặc biệt trong một năm 2021 đầy khó khăn do đại dịch COVID-19. Các hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy tiến trình cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”. - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Trong màn hình là hình ảnh từ đầu cầu VCCI.
Đối với hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính các địa phương, VCCI đã tiến hành công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Đây là chỉ số đánh giá và đo lường nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Báo cáo PCI năm 2020 đã truyền tải tiếng nói của hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc về những chuyển động của môi trường kinh doanh trong nước giai đoạn 2016-2020 vừa qua, định vị sức hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới. Sau công bố, VCCI đã hỗ trợ hơn 10 tỉnh, thành phố tiếp cận dữ liệu PCI sâu hơn thông qua việc tham dự các hội thảo, hội nghị trực tiếp và trực tuyến của địa phương.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đang phối hợp với UNDP xây dựng Bộ công cụ sàng lọc đánh giá, phân loại các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Bộ công cụ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam lựa chọn được những dự án đầu tư kinh doanh công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường” . – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đối với Hoạt động tư vấn, đề xuất sáng kiến cải cách quy định hành chính, VCCI tham gia rất tích cực trong chương trình rà soát và đánh giá quy định của Cục kiểm soát Thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Góp ý phương án cắt giảm chi phí tuân thủ của nhiều bộ ngành như: Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… VCCI cũng có báo cáo phân tích rất cụ thể về một số quy định tác động lớn đến doanh nghiệp như báo cáo về quy định yêu cầu lắp camera trên xe ô tô trên 9 chỗ và xe container…
Thông tin về phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Hội đồng, ông Phạm Tấn Công cho biết: “Chúng tôi thống nhất với các đề xuất, kiến nghị được nêu trong Dự thảo Báo cáo tình hình” . Trong 4 tháng cuối năm 2021, ông Phạm Tấn Công cho biết, VCCI tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch của Hội đồng và dự kiến sẽ tập trung vào một số hoạt động:
Thứ nhất , tập trung triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được và phục hồi lại hoạt động do ảnh hưởng của COVID-19 trong khuôn khổ hoạt động của Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19. Các hoạt động dự kiến từ việc hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin, kịp thời thu thập các khó khăn vướng mắc để chuyển tải cho các cơ quan Nhà nước có liên quan, đồng hành để cùng tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động tham vấn, đối thoại, điều tra, khảo sát, hỗ trợ hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp…
Thứ hai , tiếp tục thúc đẩy các chương trình đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC của các Bộ, ngành thông qua các hoạt động công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, thủ tục liên ngành đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính…
Thứ ba , tăng cường các hoạt động đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính tại địa phương thông qua thúc đẩy sử dụng kết quả PCI trong công tác điều hành, cải cách thủ tục hành chính tại địa phương; áp dụng thử nghiệm bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư.
Thứ tư , duy trì các hoạt động tư vấn, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính thông qua việc tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập, các hoạt động thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của Hội đồng trong thời gian tới, đại diện VCCI cũng kiến nghị một số nội dung. Theo đó, các hoạt động của Hội đồng trong các tháng còn lại, cũng như trong thời gian tới cần bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính. Hội đồng cần tiến hành các hoạt động giám sát tiến độ, đánh giá kết quả và thúc đẩy các hoạt động cải cách thủ tục hành chính này.
Ví dụ, một trong những trọng tâm của chương trình cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP (về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030) đặt ra là đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; cắt giảm, đơn giản hóa 20% số quy định và chi phí tuân thủ với lộ trình rõ ràng tới 2025. Đến năm 2030, cần nâng tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đối với nghĩa vụ tài chính lên 50%; Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%...
"Đây đều là những mục tiêu hết sức quan trọng và tham vọng và rất hữu ích cho doanh nghiệp. Kiến nghị Hội đồng và các thành viên cần xây dựng được kế hoạch triển khai cho cả giai đoạn 5 năm sắp tới và định kỳ 6 tháng hay ngắn hơn tổ chức sơ kết, đánh giá được tiến độ, kết quả cụ thể các mục tiêu nói trên. Chỉ ra được bộ, ngành nào, địa phương nào, lĩnh vực nào thực hiện tốt hay chưa tốt các nhiệm vụ quan trọng nêu trên" . - ông Phạm Tấn Công nói.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Hội đồng Tư vấn cần nghiên cứu, xác định được những mô hình, sáng kiến cải cách hành chính tốt tại các địa phương và các bộ ngành, để từ đó thúc đẩy nhân rộng trên cả nước.
Ví dụ mô hình trung tâm phục vụ hành chính công của Quảng Ninh trước đây đã được Chính phủ đánh giá cao và thể chế hoá để triển khai trên cả nước (Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính). Hay gần đây, là mô hình Ban/Trung tâm xúc tiến đầu tư một cửa-một đầu mối, triển khai các ứng dụng (Apps) trên điện thoại thông minh trong giải quyết thủ tục hành chính… tại một số địa phương cũng cần được đánh giá và tổng kết.
Đặc biệt, hoạt động của Hội đồng và các thành viên trong những tháng còn lại năm 2021 cũng như năm 2022 cần đặc biệt chú ý tới những thủ tục hành chính hỗ trợ được doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. "Cái này là gói hỗ trợ hiệu quả nhất với doanh nghiệp và tốn ít nguồn lực từ ngân sách nhất". - Chủ tịch VCCI đánh giá.
Ông cũng nhấn mạnh, "Hội đồng cần kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ và nhanh chóng kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có liên quan có điều chỉnh kịp thời. Có ưu tiên và tiếp tục đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đa số doanh nghiệp như thuế, hải quan bảo hiểm xã hội, các thủ tục về lao động, đăng ký mới hay điều chỉnh đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư…".
Nguồn: DDDN
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...