Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Đất nước thịnh vượng.
>>> Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng là sứ mệnh của VCCI
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, VCCI đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác chủ yếu Đại hội VCCI lần thứ VI đề ra và những nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao.
Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII
Theo đó, các hoạt động chính của VCCI như xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư, đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp,… đã được đẩy mạnh, nhìn chung tăng 20% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.
“Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao. VCCI đã chú trọng tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực của các hiệp hội, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, cơ bản hoàn thành việc thành lập và triển khai hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh; phát huy chức năng đại diện cho người sử dụng lao động...” , ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Ngoài các hoạt động truyền thống, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động mới có tính sáng tạo, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vị thế, uy tín của VCCI được nâng cao ở trong nước và quốc tế.
VCCI đã thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình trong điều kiện tự trang trải quỹ lương và chi phí thường xuyên, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho các chương trình, dự án xúc tiến thương mại - đầu tư, phát triển doanh nghiệp. “Đó là một cố gắng rất lớn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với đất nước, đối với cộng đồng doanh nghiệp của Ban Chấp hành và tập thể cán bộ, nhân viên VCCI”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cụ thể, về công tác đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, kiến nghị với Đảng, nhà nước.
Thứ nhất , hoạt động góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng.
VCCI đã tích cực tham gia góp ý, xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng và có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, thường xuyên cử thành viên trực tiếp tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định xây dựng và thẩm định nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có rất nhiều văn bản rất quan trọng và tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế; chú trọng triển khai nhiều hoạt động rà soát, nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi văn bản pháp luật.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đề xuất nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh như: chủ trì điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm (được duy trì thường niên từ năm 2005); chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Cải cách thủ tục hành chính (Ban II) theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; tập trung rà soát những bất cập trong quá trình thực thi chính sách của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với bộ, ngành tiến hành khảo sát đánh giá mức độ CCTTHC trên một số lĩnh vực cụ thể quan trọng như Thuế, Hải quan, Xây dựng… VCCI cũng là đơn vị tiên phong trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư (PPP).
Các hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng. VCCI đã tổ chức điều tra, khảo sát, công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp, báo cáo về quan hệ lao động, báo cáo về DNNVV, báo cáo về phát triển bền vững; xây dựng các báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… Các báo cáo của VCCI đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương coi là các tài liệu tham khảo quan trọng, làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tích cực, chủ động tham vấn và góp phần hoàn thiện các chính sách hội nhập đỉnh cao của đất nước. Hàng năm, VCCI thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý, bình luận chính sách về các vấn đề hội nhập, trong đó đáng chú ý là các khuyến nghị với Chính phủ về phương án đàm phán Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khuyến nghị với Chính phủ về cách thức hành động trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; về việc thực thi mở cửa thị trường các dịch vụ theo CPTPP…
Thứ hai, công tác tập hợp, liên kết doanh nghiệp được tăng cường và mở rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, VCCI chủ động tập hợp và thúc đẩy liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước: thành lập Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp để thực hiện chức năng phối hợp, liên kết và hỗ trợ cho trên 400 hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trong toàn quốc; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động cho 53/63 hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố. VCCI cũng đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp. Trong giai đoạn đại dịch Covid- 19 bùng phát và tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất – kinh doanh doanh nghiệp trong hai năm 2020 - 2021, VCCI đã chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội nghị giao ban trực tuyến với doanh nghiệp, HHDN; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát để tổng hợp, phân loại, đề xuất giải quyết trên 600 kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Công tác thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được tăng cường. 9 chi nhánh, VPĐD của VCCI đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước đã có nhiều nỗ lực quan tâm, tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp với địa phương tổ chức nhiều diễn đàn kinh tế cấp vùng, tạo cơ hội đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, phản ánh những bất cập, hạn chế của thực trạng kinh tế vùng, hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng, tạo liên kết vùng chặt chẽ và hiệu quả hơn, thúc đẩy đầu tư có trọng tâm, định hướng.
Thứ ba, hoạt động đào tạo được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp về số lượng và chất lượng.
Phó Chủ tịch VCCI cho biết, về hoạt động đào tạo, phát triển doanh nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn và đón đầu các xu hướng mới. Hoạt động gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo nghề cũng được chú trọng thông qua các hoạt động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
VCCI đã chủ động xây dựng, phát triển các quan hệ hợp tác với các tổ chức đối tác để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp như WB, GIZ, ILO, USAID, UNIDO, UN, WEF, WBCSD... VCCI là tổ chức đi đầu trong việc phát động “Chương trình Quốc gia khởi nghiệp” và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước. Với sự lớn mạnh nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp trong các năm gần đây, VCCI cũng đã chủ động xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm Việt góp phần chinh phục khách hàng Việt và phục vụ xuất khẩu; phát động và đẩy mạnh chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. VCCI cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị và hoàn tất các đề xuất trình Chính phủ Chương trình Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030.
Đặc biệt, hoạt động xây dựng đội ngũ doanh nhân có chuyển biến mạnh mẽ. VCCI đã tích cực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài các chương trình đào tạo cho doanh nhân, nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động, VCCI đã triển khai nhiều chương trình góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh như: tổ chức và vận động doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động…
Thứ tư, công tác đại diện giới sử dụng lao động được triển khai tích cực, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Trong đó, hoạt động góp ý xây dựng chính sách, pháp luật lao động được quan tâm thúc đẩy, VCCI tham gia sâu vào quy trình sửa đổi Bộ luật Lao động của Quốc hội và Chính phủ, góp ý các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm…; tham gia thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, cải cách chính sách tiền lương, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác giáo dục nghề nghiệp. VCCI cũng xây dựng báo cáo khuyến nghị về khả năng Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Đồng thời, thực hiện tốt vai trò đại diện giới sử dụng lao động cấp quốc gia, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa. VCCI tham gia tích cực vào Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng An toàn vệ sinh lao động quốc gia, Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm Xã hội; tham gia vào quá trình xây dựng chính sách hoàn thiện bộ máy tổ chức của cơ quan đại diện người sử dụng lao động tại Việt Nam. Lần đầu tiên, vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động đã được luật hóa, quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động năm 2019.
Về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, VCCI đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư thông qua các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác chiến lược và hội đồng kinh doanh; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện một số các chương trình đề án, dự án xúc tiến thương mại - đầu tư quan trọng do Chính phủ giao như Đề án xúc tiến thương mại – đầu tư với các đối tác chiến lược, thị trường trọng điểm theo Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nâng cao năng lực cạnh tranh…
VCCI cũng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các sự kiện đối ngoại nổi bật. “Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp của các tổ chức quốc tế và khu vực như Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) tại Hoa Kỳ, Indonesia và Trung Quốc; Hội đồng Doanh nghiệp GMS tại Thái Lan, Philippines, Nhật Bản…; đại diện cộng đồng doanh nghiệp tham gia các Uỷ ban song phương và đa phương về hợp tác kinh tế, các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực. Sự kiện nổi bật trong nhiệm kỳ là VCCI đã tổ chức thành công các sự kiện của doanh nghiệp trước và trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, trong đó, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS); Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (APEC CEO Summit); tổ chức thành công các hoạt động lớn trong năm ASEAN 2020” , ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Về công tác hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp trong kinh doanh và hội nhập được quan tâm và đẩy mạnh. Trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên, VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động trực tiếp để hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ thương mại quốc tế thông qua các cơ quan do VCCI thành lập gồm: Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại, Ủy ban Tư vấn về chính sách thương mại quốc tế, Văn phòng Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (tổ chức bên cạnh VCCI).
VCCI cũng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các sự kiện đối ngoại nổi bật.
VCCI cũng tiên phong trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội. Theo đó, VCCI đã đề xuất và thực hiện thành công “Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững” thường niên (từ năm 2014-2017), được Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực cạnh tranh giao làm đầu mối tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (các năm 2018 – 2020); Xây dựng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức thường niên Chương trình “Đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam”. VCCI đã xây dựng và triển khai Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững; Là một trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD); thành viên Tổ công tác của Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) trong khuôn khổ hợp tác giữa ILO và Việt Nam giai đoạn 2017 - 2021.
Đáng lưu ý, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác phát triển hội viên được chú trọng, thu hút được nhiều hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp “đầu đàn”.
“Với sự lớn mạnh nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp cả nước, VCCI đã chú trọng phát triển các tổ chức hỗ trợ giữ vai trò trung gian là các hiệp hội, hội, câu lạc bộ để nâng cao tính đại diện và mở rộng các hoạt động hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ban Chấp hành hoạt động hiệu quả với 94 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, tham dự đầy đủ các kỳ họp của Ban Chấp hành và các hoạt động của VCCI, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại lớn. VCCI có Đảng đoàn do Ban Bí thư thành lập. Trong nhiệm kỳ, Đảng đoàn đã được kiện toàn và tăng cường. Hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của cơ quan được sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn, Đảng ủy và được tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên cấp trên đánh giá cao.
Bộ máy tổ chức cơ quan VCCI ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện với 35 đầu mối bao gồm 9 chi nhánh, văn phòng đại diện tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước; 26 ban, trung tâm, tạp chí, viện nghiên cứu, trường đào tạo, công ty trực thuộc. Tổng số cán bộ, nhân viên của cơ quan VCCI gần 800 người, trong đó 90% có trình độ đại học, trên đại học; hầu hết có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công tác. VCCI đã và đang tiến hành Kế hoạch tái cấu trúc cơ quan, các đơn vị trong hệ thống VCCI đều áp dụng các hệ thống đánh giá chất lượng (ISO) trong hoạt động, một số đơn vị đã áp dụng Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) để nâng cao hiệu quả công tác và năng suất lao động, gắn chế độ tiền lương, tiền thưởng với kết quả công việc. Công tác tài chính được bảo đảm, cơ sở vật chất - kỹ thuật của cơ quan được tăng cường.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác phát triển hội viên được chú trọng, thu hút được nhiều hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp “đầu đàn”.
Năm 2018, VCCI đã tổ chức trọng thể 55 năm ngày thành lập (27/4/1963 – 27/4/2018) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất do Nhà nước trao tặng, ghi nhận một chặng đường phát triển lớn mạnh của VCCI.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn, hoạt động của VCCI trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mới tập trung chủ yếu vào các hoạt động, dịch vụ truyền thống, cơ bản; chưa đầu tư thích đáng cho phát triển hoạt động, dịch vụ mới có chất lượng cao để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Còn ít các chương trình, dự án ở tầm quốc gia có quy mô lớn, có sức lan tỏa và tác động quan trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ và liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp còn hạn chế. Công tác phát triển và phục vụ doanh nghiệp hội viên chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Chưa thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam, nhất là nội dung xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của VCCI còn một số tồn tại, hạn chế. Chưa phát huy hết nguồn lực con người, hệ thống tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật của VCCI.
Nguyên nhân của tình trạng này được đánh giá bao gồm những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. Từ kết quả và hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI cho biết có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Một là, phải nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân; chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả; cổ vũ, biểu dương kịp thời các nhân tố mới và điển hình tiên tiến để đề ra chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ công tác sát thực, khả thi và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả.
Hai là, gắn bó mật thiết với cộng đồng doanh nghiệp, luôn đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo các chuẩn mực và xu thế phát triển của thế giới. Từ đó xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể, khả thi hỗ trợ doanh nghiệp vươn tới các chuẩn mực quản trị và mô hình kinh doanh hiện đại của quốc tế để phát triển nhanh và bền vững, nâng cao tính cạnh tranh.
Ba là, hợp tác chặt chẽ với các bộ, ban ngành Trung ương; hướng về địa phương, cơ sở; chú trọng phát triển và hỗ trợ hệ thống hiệp hội doanh nghiệp trở thành “cánh tay nối dài của VCCI”; chủ động tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bốn là , lấy phương châm “năng động, sáng tạo, tự chủ” làm kim chỉ nam trong chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ công tác. Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác quản trị nội bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa cơ quan… là những yếu tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ.
Năm là , phát huy truyền thống và tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo; coi trọng công tác xây dựng Đảng; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc về tổ chức hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu.
Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: Doanh nghiệp vững mạnh – Đất nước thịnh vượng. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
“Các nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới được xác định trên cơ sở đảm bảo theo các định hướng lớn, cụ thể, thúc đẩy thuận lợi hoá môi trường kinh doanh; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam; Tăng cường vai trò của VCCI trong liên kết liên ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh kết nối và phát triển hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề, quy mô, địa phương; Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số thực chất và toàn diện trong doanh nghiệp; Tăng cường vai trò của tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động; Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của VCCI trên tinh thần chủ động, sáng tạo, định hướng và lan toả trong các hoạt động hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp” , ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Theo đó, mục tiêu chung được xác định là chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tăng cường phối hợp công tác hiệu quả với các cơ quan liên quan để thúc đẩy hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4.
Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trong hội nhập, khai thác hiệu quả các cơ hội từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới, dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển số lượng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc,đồng thời xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh và thúc đẩy môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp, là trung tâm liên kết, hỗ trợ phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, hiệu quả hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xứng tầm là tổ chức quốc gia đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ những mục tiêu trên, VCCI đặt ra các chỉ tiêu cụ thể gồm, tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố.
Thu hút 5000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản.
Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp.
Xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; đào tạo CEO, tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị…
Tổ chức mỗi năm ít nhất 20 chương trình, sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành Hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Tăng 10-15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia là hội viên tập thể của VCCI.
Thành lập các hội đồng doanh nghiệp theo khu vực (vùng) tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Hỗ trợ vận động thành lập các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, phấn đấu đạt đủ 63/63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trong các cơ chế hợp tác đa phương như: WTO, APEC, ASEAN, GMS, ACMECS, PECC, ICC, CACCI, ASEAN CCI...
Để hiện thực mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, Ban Chấp hành VCCI trong nhiệm kỳ tới cần nghiêm túc chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược.
Chiến lược thứ nhất, chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh.
Theo đó, nâng cao chất lượng hoạt động góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách được xác định là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp, có thể được cải thiện thông qua các hoạt động: Đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực xây dựng chính sách, pháp luật của VCCI, dành nguồn lực phù hợp cho công tác tổ chức góp ý xây dựng chính sách pháp luật; Tăng cường sự hợp tác với Quốc hội và cơ quan của Quốc hội trong hoạt động xây dựng luật và các chính sách quan trọng; Đổi mới hình thức khảo sát, tham vấn ý kiến doanh nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bảng hỏi chuyên nghiệp, thân thiện và duy trì cơ chế cập nhật thông tin thường xuyên từ doanh nghiệp; Đẩy mạnh mối liên kết, sự phối hợp giữa VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp thông qua xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức, năng lực tham gia xây dựng pháp luật và chính sách cho các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Thúc đẩy thuận lợi hoá môi trường kinh doanh thông qua: Chủ động và tích cực tham gia vào các chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ và các bộ ngành, trọng tâm là ngành Thuế, Hải quan, Xây dựng; tiếp tục hỗ trợ chính quyền các địa phương cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ việc sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá và khuyến nghị của Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số xếp hạng các sở, ngành, quận, huyện (DDCI)…
Cải thiện môi trường truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ này có thể được triển khai với một số biện pháp cơ bản như: Phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trong hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các xung đột, khủng hoảng truyền thông, bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, phát triển lành mạnh; Đẩy mạnh truyền thông về vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; Xây dựng môi trường truyền thông vừa cổ vũ, động viên tinh thần, ghi nhận nỗ lực phấn đấu của doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động và phát triển lành mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, vừa là công cụ để doanh nghiệp phản ánh các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong sản xuất kinh doanh đến các cấp chính quyền, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Chiến lược thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nhiệm vụ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được thực hiện thông qua một số giải pháp chính như: thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; tăng cường hoạt động hỗ trợ DNNVV; tăng cường liên kết giữa DNNVV với doanh nghiệp đầu ngành; thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Chiến lược thứ ba, tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển HHDN và hội viên. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định vai trò là trung tâm liên kết các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước của VCCI, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, VCCI cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Phát triển và kết nối hệ thống các HHDN, nâng cao năng lực các HHDN; Hỗ trợ nâng cao năng lực giới sử dụng lao động; Phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên; Tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Chiến lược thứ tư, phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng hoá kinh doanh Việt Nam. Phát triển đội ngũ doanh nhân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng theo tinh thần Đại hội XIII.
“VCCI đặt nhiệm vụ không chỉ xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân tăng về số lượng mà còn nâng tầm về chất lượng, trở thành đội ngũ tinh hoa, tiên phong trên mặt trận kinh tế thông qua tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong văn hóa kinh doanh cần chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Chiến lược thứ năm, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Xác định nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường kết nối với cộng đồng quốc tế cần được tiếp tục thực hiện với nhiều hình thức và nội dung đổi mới. Theo tinh thần Chỉ thị 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại - đầu tư của VCCI cần triển khai theo hướng kết hợp mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thống với việc đầu tư triển khai các hoạt động mới, các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh linh hoạt, có hàm lượng trí tuệ cao dựa trên ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững; tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương như WTO, APEC, ASEAN, GMS…; Phát triển mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hệ thống Phòng Thương mại, Tổ chức giới chủ các nước, các tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư quốc tế. Đồng thời, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, VCCI cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ thích ứng trong quá trình hội nhập.
Chiến lược thứ sáu, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ tới, cơ quan VCCI cần tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải tiến phương thức, cơ chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản lý, phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực. Một số giải pháp trọng tâm gồm: Kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chấp hành; hoàn thiện hệ thống các quy chế quản trị nội bộ; nghiên cứu và vận dụng xu hướng đổi mới mô hình và cơ chế quản trị các Phòng Thương mại trên thế giới; xây dựng nguồn nhân lực phát triển toàn diện; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, tổng hợp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản trị nội bộ; thực hiện chiến lược truyền thông, xây dựng hình ảnh của VCCI gắn liền với cộng đồng doanh nghiệp…
Các đột phá chiến lược gồm tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho thành lập, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, khuyến khích và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp.
Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số; các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; tài chính – ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số...
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...