“Cơn gió ngược” từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc

2022-09-23 17:13:00

Chính sách chống dịch “không linh hoạt và nhất quán” của Trung Quốc đang làm tê liệt các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài và tạo cơ hội cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

>>> Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam: Tiếp theo là Google?

Mới đây, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố rằng, các biện pháp ngăn chặn virus theo đường lối cứng rắn của Bắc Kinh đang gây hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cảnh báo rằng sự hiện diện của các công ty tại đây “không còn được coi là điều đương nhiên”.

Chính sách zero-COVID của Trung Quốc đang “tác động tiêu cực” đến 75% hoạt động của các thành viên của EU.

Tuy nhiên, có vẻ như bất chấp việc đóng cửa doanh nghiệp và làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, Bắc Kinh mới đây vẫn tuyên bố rằng phương pháp này là con đường “kinh tế và hiệu quả nhất” của Trung Quốc khi tiến về phía trước, và các quan chức nước này cũng không cho biết khi nào thì các quy tắc có thể được nới lỏng.

Doanh nghiệp châu Âu nản lòng

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu với một nhóm hơn 1.800 công ty Châu Âu tại Trung Quốc, đang cho biết trong một báo cáo quan điểm rằng chính sách zero-Covid và sự không chắc chắn của nó đã có “tác động tiêu cực” đến 75% hoạt động của các thành viên.

Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke.

Tổ chức này cho biết: “Môi trường kinh doanh của Trung Quốc sẽ còn khó đoán chừng nào còn tồn tại mối đe dọa về việc đóng cửa”, đồng thời gọi chính sách hàng đầu của ông Tập là “không linh hoạt và được thực hiện một cách thiếu nhất quán” và cảnh báo rằng hệ tư tưởng dường như đang “lấn át nền kinh tế”.

Họ cũng nói thêm rằng tình hình đã khiến gần một phần tư các công ty xem xét chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc kế hoạch ra khỏi Trung Quốc, tỷ lệ phần trăm cao nhất trong thập kỷ qua.

Vào tháng 6, Trung Quốc đã giảm thời gian kiểm dịch bắt buộc đối với du khách nội địa từ 21 xuống 10 ngày, nhưng tình trạng thiếu chuyến bay và giá vé cao ngất ngưởng vẫn là một trở ngại lớn cho việc đi lại. Bên cạnh đó, việc đóng cửa gần như hoàn toàn các biên giới của đất nước kể từ năm 2020 đã đẩy nhanh một cuộc “di cư” của các công dân châu Âu và khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập hơn trước.

Trong lời mở đầu của báo cáo, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke cho rằng: “phần còn lại của thế giới đã khôi phục lại mức độ bình thường trước đại dịch, nhưng Trung Quốc vẫn đi ngược dòng”.

Ông cũng nói thêm rằng, các công ty châu Âu “cần Trung Quốc phát huy hết tiềm năng kinh tế khổng lồ của mình. Nếu Bắc Kinh tiếp tục kiên trì với chính sách này, môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục trở nên thách thức hơn”.

Theo một con số thống kê cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II do các hạn chế về virus trên khắp các vùng miền của đất nước đã khiến hoạt động kinh doanh ngừng hoạt động và chuỗi cung ứng bị xáo trộn.

>>> Kế hoạch của Apple và động thái của Foxconn?

>>> Thực hư chuyện Apple chuyển dây chuyền sản xuất iPad sang Việt Nam?

Và hệ quả?

Vấn đề người ta đang nhìn rõ nhất trong sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu là việc “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ, Apple, đang chuyển một phần lớn các hoạt động của họ sang Việt Nam và Ấn Độ, như một cách nhằm đối phó với chính sách zero-Covid của Bắc Kinh.

Việt Nam được coi là sẽ hưởng lợi từ chính sách chống dịch quyết liệt của Trung Quốc.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm thứ Tư vừa qua, các nhà phân tích của JP Morgan cho biết Apple sẽ chuyển 5% sản lượng iPhone 14 toàn cầu sang Ấn Độ vào cuối năm 2022 và mở rộng năng lực sản xuất tại quốc gia này để sản xuất 25% tổng số iPhone vào năm 2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025, theo một báo cáo được TechCrunch đánh giá.

Trên thực tế, Apple đã bắt đầu lắp ráp một số thiết bị của mình ở Việt Nam và Ấn Độ cách đây vài năm, và đang từ từ cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cũng theo các nhà phân tích của JP Morgan, gã khổng lồ Cupertino hiện đang chuẩn bị đưa hai quốc gia trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu.

Đối thủ của Apple, “gã khổng lồ” điện tử Samsung của Hàn Quốc cũng đã xác định Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng nhất trên toàn cầu và đã thành lập một trong những nhà máy lớn nhất tại đây. Trong khi nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi, hiện đang dẫn đầu thị trường tại nước này, cũng đang tìm đường đến với Việt Nam nhằm mở rộng ra khu vực Đông Nam Á.

Đến ngay cả Xiaomi cũng chọn Việt Nam.

Và mới nhất, trong một báo cáo từ tờ The New York Times cho biết, Google đang có kế hoạch chuyển việc lắp ráp điện thoại Pixel 7 của mình từ các cơ sở của Foxconn ở miền nam Trung Quốc sang Việt Nam. Bên cạnh sự chuyển dịch của Apple và Google, Amazon, một gã khổng lồ công nghệ khác cũng đã đưa một phần quá trình sản xuất Xbox và Amazon's Fire TV đến Việt Nam và Ấn Độ.

Có thể nói, chính sách chống dịch “không linh hoạt và nhất quán” của Trung Quốc đang làm tê liệt các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại nước này và vô hình chung tạo cơ hội cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ đã xây dựng một chuỗi cung ứng chi phí thấp và đáng kể ở Trung Quốc, bởi vậy sẽ còn rất lâu các nước khác mới có thể thay thế Trung Quốc. “Trong ngắn hạn, Trung Quốc và Đài Loan sẽ tiếp tục giành thị phần do cơ cấu chi phí tốt hơn”, các nhà phân tích của JP Morgan cho biết.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.