Đây là một trong những ý kiến mà đại diện các doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ logictics tại khu vực này trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh bài viết “Phát triển logistics ở miền Trung thiếu cả hạ tầng “mềm” lẫn “kết cấu cứng” đã đăng tải vào ngày 31/8 vừa qua.
Cơ chế chưa rõ ràng
Nhìn thẳng vào thực tế trong thời gian qua về hoạt động dịch vụ logictics ở các tỉnh miền Trung thì hiệu quả so với tiềm năng sẵn có chưa thể tương xứng.
Và, bức tranh mà hiệu suất từ hoạt động logictics mang lại so với kỳ vọng của Chính phủ tại Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đến nay vẫn chưa thể hiện gam màu rõ nét. Trong khi đó, các nhóm nhiệm vụ cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ logictics ở từng địa phương chưa phát triển đồng đều, không tương xứng với nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng chính vì thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp tham gia kết nối hoạt động dịch vụ logictics ở từng địa phương rơi vào bế tắc, thậm chí loay hoay với bài toán cân đối giá trị hàng hóa ra thị trường.
“ Cái cần nhất là cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp tham gia kết nối dịch vụ logistics hiện nay. Ngay như hoạt động vận tải hàng hóa liên vận Việt – Lào hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Hạ tầng giao thông đường bộ chưa tương xứng, thậm chí là không đảm bảo để phương tiện lưu thông khiến xe cộ liên tục hư hỏng, phải sửa chữa. Chi phí này bắt buộc doanh nghiệp phải tính toán, cân đối để làm sao không rơi vào thua lỗ ” – đại diện một doanh nghiệp tại Nghệ An đã có nhiều năm tham gia hoạt động vận tải liên vận Việt – Lào cho biết.
Nhiều doanh nghiệp tham gia kết nối dịch vụ logictics tại các tỉnh, thành miền Trung cũng cho rằng, qua 3 năm thực hiện các nhóm giải pháp theo Quyết định 200 của Chính phủ, họ vẫn chưa thể nhận thấy được sự chuyển biến trong cơ chế. Điều này cũng liên quan đến hành lang pháp lý để ưu tiên đầu tư phát triển loại
hình kinh tế này trong bối cảnh hiện nay chưa được rõ ràng.
Mặt khác, việc đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp dịch vụ logistics để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được cởi mở và quan tâm đúng mức.
Dàn giao hưởng chưa có nhạc trưởng
Chạy đua xây dựng dày đặc các loại hình cảng biển theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”, hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ…là những trở ngại đối với vấn đề phát huy lợi thế và tiềm năng để logistics miền Trung đi đúng hướng.
Theo đánh giá, dịch vụ logistics ở các tỉnh miền Trung còn khá tụt hậu so với khu vực cảng Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh từ khâu hạ tầng cho tới thu hút đầu tư. Mặc dù, so với các khu vực nói trên, loại hình dịch vụ này ở các tỉnh, thành miền Trung còn khá mới mẻ nhưng thị trường tiềm năng thì không thể thiếu.
Ngay như tại Nghệ An, loại hình dịch vụ logistics, biểu đồ chỉ số phát triển trong tổng thể bức tranh kinh tế vẫn chưa có chỗ đứng tương xứng. Các doanh nghiệp tham gia kết nối dịch vụ logistics đang hoạt động theo kiểu “nhìn trước ngó sau” nên hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã yêu cầu “ Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học- công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục- đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 26 cũng đặt ra cho Nghệ An “Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, nâng cấp cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế, trở thành đầu mối giao thương quan trọng với Lào, Thái Lan, Miama ”.
Vậy nhưng, thực tế kỳ vọng mà Bộ Chính trị đặt ra cho Nghệ An các nhóm giải pháp vẫn chưa thể đạt được như mong đợi của người dân và nhà đầu tư.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...