Chuyên gia kinh tế ASEAN bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hậu COVID-19

2022-11-25 10:16:00

Các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023.

>> Quốc hội Việt Nam đóng góp vì một ASEAN tự cường

Hàng trăm chuyên gia kinh tế đến từ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hậu đại dịch COVID-19 và ứng phó với những thách thức mới của nền kinh tế toàn cầu tại sự kiện thường niên lần thứ 45 do Liên đoàn Các hội kinh tế ASEAN (FAEA) tổ chức sáng nay (25/11) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội.

Đây là lần thứ tư VEA đăng cai sự kiện thường niên của FAEA kể từ khi trở thành một thành viên của liên đoàn vào năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao, giá cả năng lượng trồi sụt, tổng cầu yếu và đơn hàng giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp và dư địa chính sách đang thu hẹp rất nhanh ở hầu hết các nước. Những yếu tố trên đã tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài.

Tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua là phục hồi và phát triển kinh tế.

>> Đề cao nguyên tắc ASEAN về vấn đề Biển Đông

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Các nước đều nhận thức sâu sắc về yêu cầu phải phối hợp hành động, từ các giải pháp của mỗi quốc gia cho đến các giải pháp khu vực và quốc tế; từ phối hợp trong những lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường cho đến giải quyết các điểm nóng của khu vực và các xung đột, mâu thuẫn, cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu.

Chủ đề Hội nghị FAEA-45 tại Hà Nội lần này tiếp tục là một vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, hội nghị FAEA-45 cần chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi nước và những giá trị chung của khối ASEAN. Đồng thời phát huy vai trò tiên phong của các hội khoa học kinh tế trong tư vấn, góp ý và phản biện chính sách phát triển… Là những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy kinh tế, các nhà kinh tế học cần tích cực đóng góp trí tuệ, khởi thảo ý tưởng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển mới, có tính đột phá, sáng tạo, với phương châm: “Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng”.

>>> ASEAN khẳng định vai trò trung tâm trong khu vực

Việt Nam là nước chủ trì hội thảo FAEA-45 cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch VEA, nhận định: "Chủ đề này có tính thời sự nóng hổi, hứa hẹn sẽ đưa ra được các luận giải hay và kiến nghị tốt cho cả với nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu các nước trong vùng". Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng chia sẻ, việc các hội kinh tế thuộc FAEA đồng thuận chọn Việt Nam là nước chủ trì hội thảo FAEA-45 là vinh dự lớn của VEA, đồng thời là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước và con người Việt Nam.

Kinh tế khu vực và thế giới vừa trải qua khủng hoảng do “cơn bạo bệnh” nghiêm trọng mang tên COVID-19. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN để tạo động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế khu vực là hết sức quan trọng. Một khu vực ASEAN có nền kinh tế năng động, bền vững không chỉ đóng góp vào tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu, mà còn giúp khối giữ vững được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.