Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 42 trên 131 quốc gia; Việt Nam giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á… Đây là con số cho thấy những bước chuyển biến tích cực.
Thực tế, trong 2 năm trở lại đây, kinh tế số của Việt Nam đã phát triển không ngừng về hạ tầng và thị trường. Trong hệ sinh thái số, 3 thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử đều có tăng trưởng vượt bậc; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh; lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến rất mạnh mẽ...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt vẫn là rất lớn, trong đó, liên quan đến quá trình chuyển đổi số, đó là năng suất lao động vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực; năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng thứ 93/127 quốc gia; chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Về hạ tầng số, hạ tầng thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, Việt Nam mới đang ở trình độ trung bình thế giới.
Điển hình, nhìn vào đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, nhiều tỉnh thành phía Nam nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để vừa sản xuất, vừa chống dịch. Từ đó đã lộ ra những tồn tại, khi nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ sử dụng các nền tảng số chủ yếu tập trung vào các chức năng, nghiệp vụ đơn giản mà chưa có sự đầu tư trong khâu công nghệ số hóa sản xuất, chuỗi cung ứng.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ số, chuyển đổi số mạnh mẽ thời gian tới, thực tiễn đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi căn bản và toàn diện trên mọi khía cạnh của quá trình chuyển đổi số, cần chủ động và bắt đầu từ nhu cầu thực tế nhỏ nhất, nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh để phục hồi và phát triển.
Đánh giá về thực tế chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Cao Minh Việt - Giám đốc Công ty tư vấn Greater IP cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam ở các cấp độ lớn, nhỏ và vừa hiện nay mới chỉ thực hiện chuyển đổi số mạnh ở các khâu quản trị kinh doanh, phương thức thanh toán, marketing, bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, mảng chế tạo, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng chưa được doanh nghiệp chú trọng.
“Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở một sản phẩm hay một quy trình nghiệp vụ mà cần được thay đổi căn bản cách vận hành, văn hóa doanh nghiệp và thay đổi này cần phải toàn diện trên mọi khía cạnh”, ông Cao Minh Việt chia sẻ.
Trước thực tế đã nêu, làm sao để nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá chuyển đổi số thành công?
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải hoàn thiện các kênh thông tin theo hướng chuyển đổi số trong từng khâu, từng giao dịch; quá trình này cần sự liên kết với khách hàng, nhà cung cấp thông qua các công cụ tích hợp vào hệ thống chung của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tập trung vào một số trụ cột chính như thấu hiểu nhu cầu khách hàng ở cấp độ từng cá nhân, xây dựng trải nghiệm khách hàng, tương tác với khách hàng qua nhiều kênh số hoá, tăng năng suất của đội ngũ nhân viên thông qua thiết lập môi trường làm việc thông minh, linh hoạt, chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhằm khai thác sức mạnh của dữ liệu để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới… từ đó mang đến các giá trị mới cho khách hàng.
Thông tin với báo chí, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) chia sẻ, thực hiện chuyển đổi số cần làm sao cho doanh nghiệp thấy được tính hiệu quả của việc chuyển đổi số thông qua những mô hình rất nhỏ như một Công ty siêu nhỏ từ 3- 5 người cần ứng dụng gì để giảm chi phí hoặc quán café, cửa hàng thời trang hay tiệm tạp hóa... thì chuyển đổi số những nội dung gì để gia tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả quản lý… từ đó góp phần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp chung vào chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế xã hội.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp