Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế

2021-10-07 21:27:42

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: cần lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.

Trước thềm Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân. Diễn đàn Doanh nghiệp trích nguyên văn phát biểu khai mạc của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cách nay 76 năm, ngày 13/10/1945, trong lá thư đầu tiên gửi tới giới Công Thương, Bác Hồ đã viết “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Sứ mệnh cao cả được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao từ ngày ấy đến nay vẫn được giới doanh nhân Việt Nam ra sức thực hiện, với mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc.

Hôm nay, bên thềm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đại diện giới doanh nhân cả nước vô cùng phấn khởi được đón Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đến thăm.

Thay mặt cho đội ngũ doanh nhân của trên 800.000 doanh nghiệp trong cả nước, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của đ/c Chủ tịch Quốc hội, sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lần đầu tiên tại Trụ sở VCCI – "ngôi nhà chung" của các doanh nghiệp, doanh nhân vừa là niềm tự hào của giới doanh nhân, doanh nghiệp, vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, Đảng, Nhà nước. Với tất cả sự trân trọng và xúc động, hội nghị xin nồng liệt chào mừng đồng chí Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đến thăm VCCI và đến với giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam!

VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Trong 58 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng luôn có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Trong giai đoạn chiến tranh, VCCI đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp, của nền kinh tế nước ta với quốc tế và tham gia vào công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong toả kinh tế nước ta của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ hoà bình, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, VCCI tập trung đóng góp vào việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế. VCCI hiện nay tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Với các đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, VCCI đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

VCCI hiện nay có Đảng đoàn do Ban Bí thư thành lập và giao nhiệm vụ; có Đảng ủy cơ quan VCCI là đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với 26 tổ chức đảng, 370 đảng viên. Ban Chấp hành VCCI gồm gần 100 thành viên là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiêu biểu trên phạm vi cả nước thuộc mọi loại hình, thành phần kinh tế. Cơ quan VCCI có trên 30 đầu mối trực thuộc với 834 cán bộ, nhân viên, có các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các vùng kinh tế trọng điểm trên toàn quốc. VCCI có quan hệ hợp tác chặt chẽ với 185 các tổ chức đối tác quốc tế và là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cùng các tổ chức, các diễn đàn, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực và thế giới.

VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật doanh nghiệp (1999, 2005, 2015, 2020), Luật đầu tư (2005, 2015, 2020), các nghị quyết Trung ương khoá IX và khóa XII về kinh tế tư nhân nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 07-NQ/TW "Về hội nhập kinh tế quốc tế". Đặc biệt, VCCI đã chủ động đề xuất và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 09/12/2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” – văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân, trong đó đã khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân và các quan điểm, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Hiện nay VCCI đang cùng Ban Dân vận Trung ương tham mưu công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này. VCCI cùng với các hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất bổ sung vai trò của doanh nhân trong Hiến pháp 2013 và vào năm 2004 VCCI đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Để góp phần tạo ra động lực cải cách từ cơ sở, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các báo cáo PCI công bố 16 năm qua luôn được đánh giá cao và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong các địa phương, có tác động quan trọng tới việc xây dựng một môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn, minh bạch, thân thiện và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ khác về tình hình doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Hiện nay, bình quân mỗi năm VCCI tổ chức nghiên cứu góp ý gần 150 dự thảo văn bản pháp luật; tổ chức trên 400 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia góp ý, xây dựng pháp luật, chính sách với sự tham dự của gần 65.000 lượt doanh nghiệp.

Trong năm nay, khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, VCCI đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Mới đây, ngày 17/9/2021 VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19. Hội đồng cũng đã đưa vào hoạt động nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vào ngày 26/9 vừa qua, VCCI đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Việt Nam đã có trên 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7 - 8 triệu doanh nhân. Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta có vai trò và đóng góp quan trọng của Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Vietcombank, BIDV, Viettel, VinGroup, TRường Hải, FPT, Vinamilk,.... Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 của Tạp chí Forbes. Với quy mô xuất khẩu năm 2020 đạt 281 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK 544 tỷ USD, Việt Nam đã vươn lên vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế.

Theo báo cáo tháng 6/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự trữ ngoại hối của nước ta đạt 98,8 tỷ USD, đứng thứ 26 thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, giới doanh nhân Việt Nam có thể tự hào vì đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước.

Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao; còn một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân hạn chế về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của giới doanh nhân. Để thực hiện được sứ mệnh mà Bác Hồ đã trao cho giới doanh nhân 76 năm trước vào ngày 13/10 là “Xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”, để thực hiện mục tiêu, khát vọng của dân tộc đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong thời gian tới, trước hết là trong nhiệm kỳ tới 2021-2026, VCCI và giới doanh nhân Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. Sẽ cần phải có tư duy, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và các giải pháp mới, đặc biệt, cần bắt tay ngay vào xây dựng các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh với bản sắc riêng của giới doanh nhân Việt Nam, lấy đó làm nền tảng đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sức mạnh mới của giới doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân.

Trong gần hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 hoành hành, tàn phá cả thế giới, đất nước ta cũng đang trong cuộc chiến cam go với đại dịch, sức khoẻ và tính mạng của nhân dân bị đe doạ, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình đốn. Trong 09 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, như vậy là bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Cộng đồng doanh nghiệp trân trọng và đánh giá cao việc ngày 28/7/2021, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc biệt để ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Trong chuyến công tác tại Châu Âu đầu tháng 9 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội, chúng tôi được biết, chỉ trong 5 ngày Chủ tịch Quốc hội đã có hơn 70 hoạt động dày đặc, liên tục tại 3 nước. Bên cạnh hoạt động đối ngoại chính trị đa phương là ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vắc-xin… và sau chuyến công tác, Chủ tịch Quốc hội đã mang về khối lượng lớn vật tư, thiết bị y tế, kit xét nghiệm… trị giá hơn 1000 tỉ đồng và rất nhiều liều vắc-xin quí giá.

Ngay khi về nước, Chủ tịch Quốc hội cũng đã sát sao, chủ trì nhiều phiên họp Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cá nhân tôi có ấn tượng sâu sắc khi mới tiếp nhận chức Chủ tịch VCCI được 10 ngày, đã tham dự và đóng góp ý kiến tại 1 phiên họp do Chủ tịch Quốc hội chủ trì kéo dài tới 8h tối, và kết quả của phiên họp khẩn trương đó đã dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết 116/NQ-CP với gói hỗ trợ 38 nghìn tỉ đồng cho người lao động và doanh nghiệp đang được triển khai.

Một lần nữa, cho phép tôi, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, của Quốc hội tới vận mệnh, sự sống còn của từng doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp!

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động. Ở nước ta, cuộc chiến chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “Trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại cuộc gặp ngày 26/9 với Thủ tướng Chính phủ bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, VCCI thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất 2 chủ trương mới, đó là:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Như trong thời chiến, chúng ta đã trang bị và thành lập các đội dân quân, tự vệ, nâng cao năng lực chiến đấu của cả nước. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện.

Tại cuộc gặp gỡ hôm nay, thay mặt giới doanh nhân Việt Nam, VCCI xin đề xuất thêm với đồng chí Chủ tịch Quốc hội một chủ trương, quan điểm Thứ 3, đó là: lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", nhanh chóng khôi phục sản xuất, VCCI đề xuất một số giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá như sau:

Thứ nhất, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ DNNVV, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật phá sản… để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Trong bối cảnh mới, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ hai, xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19. Hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP. Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. Mặt khác, tổng nợ công/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, vì vậy việc xem xét nâng trần nợ công quốc gia là giải pháp hợp lý, tạo nguồn ngân sách để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, khôi phục kinh tế, mở rộng quy mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Với GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng.

Thứ ba, nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Hiện nay cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu dưới hình thức gián tiếp thông qua chính sách giãn, hoãn, kéo dài thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế, khoản vay đối với doanh nghiệp. Với tình thế "sống còn", tình trạng "kiệt quệ" hiện nay của các doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn, cụ thể:

Xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các DNNVV với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo…

Xem xét mức giảm thuế TNDN, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức hỗ trợ giảm 30% như hiện nay lên mức 50%; giảm mức nộp BHXH, BHYT, BHTN 50% trong các năm 2021, 2022. Nghiên cứu, xem xét giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022. Xem xét giảm phí công đoàn doanh nghiệp phải nộp ở mức 50% so với quy định hiện hành.

Thứ tư, cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng DN. Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động. Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Với niềm tự hào Ngày Doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, động viên kịp thời của Chủ tịch Quốc hội, của Quốc hội, của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, giới doanh nhân Việt Nam tin tưởng và khẳng định rằng, sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất – kinh doanh, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của nước ta trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cũng như việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

VCCI và giới doanh nhân Việt Nam xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã quan tâm đến thăm, động viên giới doanh nhân Việt Nam hôm nay. Xin kính chúc đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo và các quý vị đại biểu nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Nguồn: Tạp chí DDDN!