Chủ tịch VCCI: Khai thác sức mạnh từ văn hóa kinh doanh Việt Nam

2023-10-27 10:54:37

Ngày 19/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Samsung Việt Nam tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới”.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía Samsung Việt Nam, có ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại chương trình

Sự kiện còn có sự góp mặt của các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về phát triển văn hóa doanh nghiệp, tư vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp và quản trị kinh doanh, các CEO từ các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành công nghiệp khác nhau trong và ngoài Việt Nam như Samsung, Boeing, Biti’s, Hanosimex, Alphabook, Gemadept, Creatio, các tổ chức công đoàn và hiệp hội quốc tế về phát triển bền vững, thương mại bền vững, kinh doanh có trách nhiệm và quyền của người lao động, như Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UNGC), Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC), Quỹ châu Á (Asia Foundation), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH)

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam đang trở thành một đòi hỏi tất yếu cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam đang trở thành một đòi hỏi tất yếu. Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, việc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam có thể trở thành một “sức mạnh mềm”, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trải qua các thời kỳ lịch sử với những thay đổi của điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá kinh doanh Việt Nam luôn thể hiện ở sự thông minh, sáng tạo, nhạy bén, thích ứng nhanh của các doanh nghiệp, doanh nhân người Việt.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Còn đó những vấn đề như nhận thức về vai trò, động lực của văn hoá kinh doanh trong hội nhập còn chưa thật sự đầy đủ; còn tình trạng doanh nhân, doanh nghiệp bất chấp đạo lý, kỷ cương, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc; chữ Tín trong kinh doanh chưa được coi trọng...; khiến văn hóa kinh doanh Việt Nam “chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước” như kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09- NQ/TW.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu: “Nghị quyết đưa ra yêu cầu phải hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho VCCI trong khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh”.

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định: “Người lao động là một chủ thể quan trọng trong văn hóa kinh doanh nói chung và văn hóa tổ chức nói riêng. Do đó, với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững”.

Diễn đàn Đa phương MSF 2023 là không gian để các bên liên quan thảo luận về tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam và các chiến lược tối đa hóa các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Thông qua Diễn đàn, các nhà đồng tổ chức mong muốn cùng với các cơ quan thuộc Chính phủ, công đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm thúc đẩy các thảo luận và hành động có ý nghĩa, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Nguồn: VCCI