Sáng ngày 26/11/2021, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”. Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, các lãnh đạo Bộ, các vụ, cục liên quan của Bộ Xây dựng, Lãnh đạo VCCI và đầy đủ lãnh đạo 63 Sở Xây dựng các địa phương và đại diện lãnh đạo UBND nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung phát biểu của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Hội nghị.
Thủ tục đầu tư xây dựng là những lĩnh vực thủ tục hành chính có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng. Việc ban hành các bộ luật như Luật Xây dựng (2003, 2014 và bổ sung, sửa đổi năm 2020), Luật Đất đai (1993, 1998, 2003 và 2013), Luật Nhà ở (2005 và 2014) và Luật Đấu thầu (2005 và 2013) đã cải thiện về căn bản tính minh bạch về pháp lý, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng.
Bên cạnh điều chỉnh khung khổ pháp lý, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương cũng có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/01/2021 về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” đã giao nhiệm vụ cho các Bộ ngành, địa phương cần “giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.” Ở cấp địa phương, những chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành trong những năm qua đã thúc đẩy các chương trình cải cách nhằm đơn giản hóa một số quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính. Nhờ đó, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã dần giảm xuống, doanh nghiệp gia nhập thị trường, tổ chức sản xuất kinh doanh dễ dàng hơn.
Tuy vậy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, phiền hà, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Sự phức tạp về quy trình thủ tục, sự chồng chéo về thẩm quyền tạo ra rủi ro trong xử lý hồ sơ, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý.
Từ bối cảnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) đã chủ trì thực hiện báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường. Kết quả báo cáo được công bố trong hội nghị đối thoại ngày hôm nay chính là trải nghiệm trực tiếp của gần 2000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI. Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Báo cáo cũng giúp nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng hiện tại. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cố gắng đưa ra một ước lượng về chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Các kết quả nêu trên sẽ được giới thiệu cụ thể hơn trong phần trình bày của đại diện nhóm nghiên cứu.
Trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, chúng tôi tin rằng cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong “tầm tay” của các cơ quan Nhà nước. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư – xây dựng – đất đai – môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế chúng ta bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới.
Với vai trò là đơn vị quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rất sẵn sàng tham gia vào nỗ lực chung của các bộ ngành, của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy các cải cách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và những lĩnh vực liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Dù gặp vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực hỗ trợ các hoạt động của VCCI và sẵn sàng cung cấp những thông tin chân thực, đầy đủ, khách quan về môi trường kinh doanh và việc tuân thủ thủ tục hành chính. Ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp chính là những chất liệu quý giá cho chúng tôi tổng hợp và phản ánh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.