Trung Quốc đang dần mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trở lại, nhưng đây vẫn là biến số khó lường của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
>> Trung Quốc "tất bật" khôi phục chuỗi cung ứng
Việc Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách zero COVID và những tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu đã tạo ra sự pha trộn giữa lạc quan và thận trọng trong số các chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF thường niên năm nay.
Ông William Ford, Giám đốc điều hành của General Atlantic Partners, một công ty tư nhân có trụ sở tại New York, cho biết: “Trên thực tế, Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế trở lại. Việc nỗ lực quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế hơn 4% thực sự là một điều tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Tôi nghĩ rằng đây là yếu tố tạo nên sự lạc quan trong thời điểm gần đây".
Đồng quan điểm, bà Nela Richardson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ADP, đã nhìn thấy những tác động rộng lớn hơn. “Có một tác động gián tiếp từ sự phục hồi của Trung Quốc. Đây không chỉ là việc mua và bán với Trung Quốc, mà còn là việc mua và bán thông qua Trung Quốc. Điều đó có thể tạo sức ảnh hưởng và lan tỏa đến khu vực APAC một cách mạnh mẽ", bà Richardson nhấn mạnh.
Ông Raghuram Rajan, Giáo sư của Đại học Chicago và là cựu Giám đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, cho biết nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi sớm nhất là vào tháng 3/2023. Mặc dù ông cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc rất ngại rủi ro vào thời điểm này do sự không chắc chắn đối với COVID-19, nhưng ông dự đoán sự cải thiện trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như du lịch.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, vẫn cần duy trì sự thận trọng về sự thay đổi của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quỹ đạo tăng trưởng toàn cầu. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều khả năng ở trong một thế giới đầy biến động. Vẫn còn quá sớm để biết tác động của một sự thay đổi đột ngột như vậy. Trung Quốc đang thử nghiệm một thứ mà chúng tôi chưa từng thấy ở nhiều quốc gia khác khi mở cửa trở lại. Chúng ta cần chờ thêm một thời gian, ít nhất là trong quý I/2023", ông Gilles Moec, nhà kinh tế trưởng tại AXA Investment nhận định.
Bên cạnh đó, một số yếu tố địa chính trị được nhận định cũng sẽ có ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Theo các chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể giữ được trạng thái cân bằng nhất định, thì chúng ta sẽ thấy mức tăng trưởng được duy trì hợp lý. Nếu không, thì điều này cũng sẽ đóng vai trò như một cơn gió ngược từ bên ngoài.
>> Điều gì đáng chú ý tại Châu Á trong năm 2023?
Về cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, có một rủi ro mà thế giới sẽ vẫn phải đối mặt là sự phân mảnh công nghệ ở mức độ cao, và điều này có thể không có lợi cho tăng trưởng.
Một số chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm từ mức trước COVID-19 là 6% đến 6,5% xuống khoảng 3% đến 4% trong năm nay. Tăng trưởng chậm lại là điều khó tránh khỏi khi quy mô nền kinh tế tăng lên. Nhưng quá trình này đã được đẩy nhanh bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là sự suy thoái mạnh trong lĩnh vực bất động sản, vốn là "một trong những động lực tăng trưởng chính ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua.
Ông Carlos Casanova, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ UBP cho biết "Trung Quốc sẽ không phải là vị cứu tinh của nền kinh tế toàn cầu. Đừng mong đợi gói kích thích của Trung Quốc sẽ làm chệch hướng kịch bản suy thoái toàn cầu".
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...