Chính sách thuế khiến doanh nghiệp không “hứng thú” với kinh tế tuần hoàn

2022-09-14 14:53:59

Đánh giá kinh tế tuần hoàn mang đến sự kỳ diệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng theo doanh nhân Hà Văn Thắng, chính sách thuế chưa theo kịp khiến doanh nghiệp thiệt thòi.

>>> Doanh nghiệp chưa tiếp cận chính sách hỗ trợ kinh doanh tuần hoàn

Không lãng phí phụ phẩm nông nghiệp

Công ty CP T&T 159 Hòa Bình tổ chức chăn nuôi đại gia súc theo quy trình của mô hình kinh tế tuần hoàn . Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: có thể hiểu kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế khép kín không có rác thải. Tất cả rác thải hay phế phụ phẩm nông nghiệp của công đoạn sản xuất thứ nhất là đầu vào của công đoạn sản xuất tiếp theo. Tại công ty CP T&T 159 Hòa Bình, phế phụ phẩm của quá trình chăn nuôi đại gia súc được tận thu triệt để để làm phân bón hữu cơ vi sinh.

Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn, phế phụ phẩm nông nghiệp không phải là chất thải mà là nguồn tài nguyên tái tạo mang lại thu nhập cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, đồng thời giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159 Hoà Bình Hà Văn Thắng

Với ý nghĩa như vậy, tại công ty CP T&T 159 Hòa Bình, phế phẩm của đại gia súc được đưa vào xử lý trên dây chuyền công nghệ hiện đại để thành phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn phân bón hữu cơ này hàng tháng mang về cho công ty khoản thu nhập đáng kể, đồng thời góp phần giải bài toán ô nhiễm môi trường do phế phụ phẩm nông nghiệp tạo ra.

Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159 Hòa Bình cho biết: công nghệ sinh học là nền tảng được chúng tôi ứng dụng để xử lý phế phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, những thứ không làm được thức ăn sẽ xử lý làm đệm lót sinh học. Với đệm lót sinh học, công ty tận dụng tối đa những nguồn lực sẵn có tại địa phương, vừa tiện dụng vừa giảm được chi phí sản xuất...

Đến nay, công ty CP T&T 159 Hòa Bình và cá nhân ông Hà Văn Thắng đã có 10 năm nghiên cứu và thực hành kinh tế tuần hoàn theo mô hình trên. Từ thực tiễn hoạt động sản xuất, ông Hà Văn Thắng cho rằng kinh tế tuần hoàn là kết quả của các mô hình sản xuất, các mô hình kinh doanh. Các mô hình này không bị lệ thuộc, khống chế bởi khuôn mẫu nào mà tùy thuộc vào năng lực, điều kiện khả năng của mỗi cá nhân và đơn vị. Ai cũng có thể tổ chức tốt mô hình sản xuất tuần hoàn để xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Doanh nhân này thậm chí còn dùng hai chữ: kỳ diệu để nói về nền kinh tế tuần hoàn bởi có thể giải quyết 3 mục tiêu rất lớn. “Nói đến kinh tế tuần hoàn, sản xuất tuần hoàn là nói đến hiệu quả kinh tế, là sự đa dạng linh hoạt từ các mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn và sản xuất tuần hoàn hiện đại được phát triển trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ số. Làm kinh tế tuần hoàn có thể xem như là chuyển đổi số, có nghĩa là chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh tế tuyến tính sang sản xuất tuần hoàn” - doanh nhân Hà Văn Thắng chia sẻ.

Trăn trở về chính sách

Trong câu chuyện về kinh tế tuần hoàn, doanh nhân Hà Văn Thắng vẫn luôn trăn trở về sự bất cập của các chính sách, cơ chế khuyến khích chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

“Tổ chức sản xuất tuần hoàn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nên đòi hỏi các doanh nghiệp, đơn vị phải có đổi mới sáng tạo nhưng chúng ta đang thiếu khuôn khổ pháp luật, nên các giải pháp đưa ra thường bị vướng rào cản như đầu tư kéo dài vì không có quy định ở đó” - ông Hà Văn Thắng trải lòng.

Một dẫn chứng khác được doanh nhân này đưa ra là chính sách thuế. Các cơ quan chức năng cho là đã có các chính sách ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp nhưng thực ra là không được ưu tiên.

Trang trại nuôi bò của công ty CP T&T 159 Hòa Bình được tổ chức chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn mang giá trị kinh tế cao

“Chúng tôi làm đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp và thêm 6% vi sinh nhưng ngành thuế giải thích trong 26 mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng không có chữ đệm lót sinh học nên chúng tôi bị áp 10% thuế. Hệ sinh thái của chúng tôi có rất đông các hộ nông dân tham gia sử dụng công nghệ sinh học nhưng giá thành bị đội lên 10% thì dù muốn, chúng tôi không thể lan tỏa công nghệ này” - ông Hà Văn Thắng thông tin.

Việc đánh giá tác động môi trường thì cũng vậy. Khi làm thủ tục đầu tư, cơ quan môi trường đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ sinh học, đệm lót sinh học là giải pháp hay trong xử lý nước thải. Nhưng khi đối chiếu với các quy định của luật thì nói đến hệ thống xử lý nước thải là phải có hồ chứa, hệ thống thoát nước, hầm biogas.

Đây là những vấn đề bất cập, nếu sửa quy định luât thì cần thời gian. Vì vậy, doanh nhân này kiến nghị: không riêng gì sản xuất tuần hoàn, các mô hình khác cũng cần có hành lang. Ví dụ, có quy định các mô hình kinh doanh mới được phép thí điểm, thử nghiệm… nhưng cần quy định, chế tài phải tổng kết, đánh giá trong khoảng thời gian từ 1-3 năm.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.