Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.

GDP quý III năm 2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trước những tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, cùng

với sự nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tổng sản phẩm

trong nước (GDP) trong 9 tháng đầu năm tăng 1,42%.

Nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn này, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng lúc này phải nhận diện được những điểm yếu của nền kinh tế mà con số thống kê thuần túy chưa phản ánh hết được những khó khăn của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Qua theo dõi ông Thiên nhận thấy thời gian qua, nền kinh tế đối mặt với một số vấn đề lớn.

Trước hết là vấn đề lưu thông hàng hóa, tắc lưu thông là “chết” mà vừa rồi là tắc. Chúng ta lo cho an toàn cá nhân là đúng nhưng cũng đòi hỏi giải pháp để an toàn cho nền kinh tế. Tư duy kinh tế thị trường là phải "thông", phải "mở", phải đảm bảo cho các luồng hàng hóa lưu thông nếu "đóng" như hiện nay rất nguy hiểm.

Trong lưu thông có vấn đề lưu thông lao động. Việc làm chính sách đối với lao động, bảo vệ nguồn lực lao động là phải tính đến việc này. Lưu thông nguồn lực lao động là rất quan trọng vì nó là một nguồn lực của nền kinh tế. Tăng trưởng của khu vực Nam Bộ phụ thuộc rất nhiều vào lao động di cư, không bảo vệ được nguồn lực lao động thì không bảo vệ được nền kinh tế ”, ông Thiên nói.

Kinh tế 9 tháng đầu năm tăng 1,42%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ thời kỳ Đổi mới.

Vấn đề thứ hai đáng chú ý, theo ông Thiên là lưu thông dòng tiền. Kinh tế thị trường là tiền và hàng, tiền là máu của nền kinh tế. Tiền phải được bơm vào thường xuyên, nếu không bảo đảm được thì nền kinh tế bị tắc.

Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam hai năm qua vẫn tạm ổn, không căng thẳng như đợt dịch thứ tư này. Nhưng qua đó cũng cho thấy cách điều hành nặng về tư duy hành chính không còn phù hợp với kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay. Nhận diện được vấn đề để chúng ta có cách hành xử phù hợp hơn trong thời gian tới ”, ông Thiên nhìn nhận.

Đảm bảo "nguồn máu" tiếp cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng trở lại quỹ đạo bình thường, ông Thiên cho rằng chúng ta cần tập trung cho năm nhóm giải pháp chính.

Một là bảo đảm an toàn cho xã hội là điều kiện cần, có nghĩa là đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, hệ thống y tế và trang thiết bị đi kèm… Về cơ bản vấn đề này nhìn chung đang tốt lên, tạo được niềm tin xã hội. Tuy nhiên, khi chưa thể lo đủ được cho cả nước thì phải biết chọn các tọa độ ưu tiên để nền kinh tế thoát khỏi những điểm ngoặt “sinh tử”, ví dụ phải ưu tiên cho các địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương…

Những “điểm mở” của nền kinh tế phải được ưu tiên cả nguồn lực và chính sách, ví dụ ngành hàng không phải đảm bảo, đến và đi phải an toàn. Rồi chính sách mở cửa, chẳng hạn với Phú Quốc thế nào. Mình Phú Quốc chưa phải là quá quan trọng, nhưng mở cửa Phú Quốc là tiền đề để mở cửa những nơi khác, ví dụ Nha Trang, Đà Nẵng thế nào… là những vấn đề đang được đặt ra.

Hai là cần giải ngân đầu tư công mạnh hơn, phải bơm máu cho nền kinh tế qua các dự án công, thấm vào nền kinh tế nhất là khối tư nhân.

Ba là vấn đề thông suốt luồng xanh cho lưu thông hàng hóa, đây là vấn đề đã rõ. Nguyên tắc chung là địa phương không được ra quyết định đi ngược lại lợi ích chung, lợi ích sống còn của quốc gia. Nếu các địa phương tiếp tục hành xử theo kiểu tự phát, cát cứ địa phương, làng xã thì không ổn. Chính phủ cần phải đảm bảo nguyên tắc tối thiểu của kinh tế thị trường, luật lệ để lưu thông hàng hóa phải thống nhất quốc gia, chứ không phải mỗi nơi một kiểu.

Bốn là lưu thông lao động, phục hồi nguồn lực lao động. Người lao động đã ra khỏi nông thôn thì cũng không còn nhiều cơ hội ở quê nhà nữa, cần trở lại làm việc, do đó cần giải pháp để di chuyển lao động trở lại, mà trước hết là giải quyết vấn đề tâm lý và giải quyết điều kiện sống cơ bản. Chính quyền địa phương cũng cần với các doanh nghiệp phải bàn xem nhu cầu và các điều kiện để bảo đảm cho lao động trở lại.

Năm là dòng tiền, cần đảm bảo được nguồn “máu” tiếp tế cho doanh nghiệp. Các điều kiện để được tiếp tục vay vốn là khó khăn hơn, muốn vay như bình thường không dễ khi ngân hàng cũng cần đảm bảo sự an toàn của họ, không thể “tất tay” được. Phải chấp nhận nới lỏng điều kiện cho vay với những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay nhưng vẫn có thể hoạt động sản xuất tốt. Cần những tổ đặc nhiệm của chính quyền, hiệp hội doanh nghiệp đi tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp để ưu tiên cho vay vốn. Cần tiếp cận trên tinh thần cứu nền kinh tế trong trạng thái bất thường.