Chiến lược thích ứng cho doanh nghiệp

2022-10-05 09:31:00

Việc thiết kế, xây dựng một chiến lược chung cho tất cả các doanh nghiệp có lẽ rất khó, song rất cần định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới với bất ổn, thắt chặt tiền tệ và lạm phát....

>>> “Mạnh dạn” đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 vượt 7%

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên viễn cảnh vẫn tiềm ẩn những rủi ro và thách thức.

Khuôn khổ pháp lý mới cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số hóa toàn diện. Ảnh: Lê Anh

Gợi ý chính sách

Gợi ý chính sách đầu tiên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt thích ứng trong bối cảnh mới, là “cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định và tính truyền thông kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa".

Cùng với đó, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc phần nào khiến quốc gia này giảm nhịp tăng trưởng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng là một rủi ro cần phải xét đến, đặc biệt là trong trung hạn khi mà tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của Việt Nam là khoảng 8,2%. Cuối cùng, chương trình ERDP có thật sự hiệu quả và hỗ trợ đúng đối tượng hay không còn phụ thuộc vào cách mà chính sách được triển khai nhanh hay chậm, các thủ tục và quy trình phải tối giản và cần sự đồng bộ của trung ương lẫn địa phương.

Như vậy, với tầm nhìn dài hạn, một số gợi ý chính sách để kiến tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:
Cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định và tính truyền thông kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các giải pháp về tài chính, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp cần kịp thời và đúng đối tượng.
Đổi mới cơ chế, chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý mới vừa khuyến khích vừa buộc các doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp số hóa toàn diện.

Gợi ý cho doanh nghiệp

Việc thiết kế, xây dựng một chiến lược chung cho tất cả các doanh nghiệp có lẽ rất khó bởi vì sự khác biệt trong ngành nghề, mô hình, và tư duy quản trị. Tuy nhiên, để định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới thì một số gợi ý sau đây sẽ mang tính khả thi: Kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản. Tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả. Áp dụng số hóa và đổi mới sáng tạo trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý...

>>> Triển vọng tăng trưởng bền vững

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ dựa vào xu hướng phát triển theo mỗi thời điểm để lên chiến lược đa dạng. Để thích ứng trước các hoàn cảnh bất lợi, các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó với trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp, ngoài việc tập trung vào các vấn đề vi mô như trước, cần xem xét mở rộng các ảnh hưởng của vĩ mô. Kiểm soát tốt sự gia tăng các chi phí của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Cần những sức bật mạnh mẽ, đồng bộ, có sức lan tỏa giữa chính phủ và doanh nghiệp.

Khi đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần đảm bảo tính chủ động, đưa ra những chiến lược, chính sách kịp thời, có tính đón đầu trước xu hướng. Đồng thời, phải có mối tương tác lẫn nhau, doanh nghiệp phải sẵn sàng và Chính phủ cũng cho thấy vai trò kiến tạo, giám sát.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.