Tại Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, lần đầu tiên
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển
Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp
tỉnh (PGI). Tỉnh Nghệ An đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 14,66
điểm (tính theo thang điểm 40). Tỉnh Trà Vinh xếp thứ nhất với 17,67 điểm và Hà
Nội cuối bảng với 12,52 điểm.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh là gì
Chỉ số Xanh cấp tỉnh, tên tiếng Anh Provincial Green Index (PGI) là Bộ Chỉ số đánh
giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn
kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh
nghiệp; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan
tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn
đề môi trường quan trọng khác.
Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng
đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa
phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng
ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
(BĐKH); xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân
thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho
doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua
sắm xanh; và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông
qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể. Chỉ số PGI đo lường các tiêu chí nêu
trên thông qua bốn Chỉ số thành phần được tạo thành từ 4 chỉ tiêu đánh giá chất lượng
môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố: Giảm thiểu ô
nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn
môi trường tối thiểu; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường;
Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Thấy gì từ PGI
Kết quả khảo sát Chỉ số PGI năm 2022 cho thấy, chất lượng môi trường của các địa
phương cần được quan tâm cải thiện hơn nữa. Hơn một nửa số doanh nghiệp trên toàn
quốc đánh giá chất lượng môi trường tại địa phương là tốt hoặc rất tốt. Tuy nhiên, 30%
doanh nghiệp cho biết địa phương nơi họ hoạt động là “không ô nhiễm” hoặc chỉ “hơi
ô nhiễm”. 37% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng gì bởi ô nhiễm. Đáng lưu ý,
58% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là
phổ biến tại địa phương.
Mặc dù nhìn chung các doanh nghiệp FDI tỏ ra hài lòng hơn về công tác quản trị môi
trường tại địa phương, so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước; song vẫn có một
số lĩnh vực chưa được doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực, như công tác phòng ngừa
ô nhiễm môi trường và xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các nhà đầu
tư nước ngoài có đánh giá tích cực hơn đối với công tác hướng dẫn về quy định pháp
luật môi trường và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường của chính quyền
địa phương.
Những nỗ lực từ phía chính quyền tỉnh Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với dân số 3,3 triệu người, lớn
thứ tư trong cả nước. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt
động, tạo việc làm cho khoảng 231.000 lao động, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ,
đánh dấu bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu, quy mô, lĩnh
vực hoạt động có sự chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả
và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Tỉnh Nghệ An còn nằm trong tốp 10 địa
phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ đó, tỉnh nhà vẫn còn tồn tại những bất cập
như: Việc vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa vẫn còn lạc hậu
và quá tải; nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục
vụ công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải còn thiếu, việc triển khai thực hiện các
dự án, nhà máy xử lý rác còn chậm. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường, xử lý ô
nhiễm môi trường đối với các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử
lý triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý ô nhiễm còn chưa kịp thời,
mức răn đe chưa cao. Việc quy hoạch hạ tầng về môi trường chưa đồng bộ, nhất là khu
vực thành phố, đô thị. Tác động xấu về môi trường do các doanh nghiệp gây ra ngày
càng phức tạp, chưa khắc phục triệt để.
Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính
quyền, Tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về bảo vệ môi
trường; từng bước ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải
quyết tốt các vấn đề cấp bách, cải thiện chất lượng môi trường, đa dạng sinh học; nâng
cao năng lực ứng phó với BĐKH, bảo đảm an ninh môi trường cho phát triển kinh tế -
xã hội nhanh và bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị
quyết số 08-NQ/TU, ngày 02/3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030. Nghị
quyết đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó: đến năm 2025, 100% khu công nghiệp
đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi
trường; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; tỷ lệ
khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc tự
động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định đạt 97% (năm
2025), đạt 100% (năm 2030).
Sau khi Nghị quyết được ban hành, nhận thức, ý thức của người dân và doanh nghiệp
về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Chất lượng môi trường sống của
người dân được cải thiện, hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu công nghiệp… được
quan tâm và đầu tư xây dựng. Tỉnh cũng khuyến khích và lựa chọn các nhà đầu tư, các
loại hình sản xuất có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Việc Chỉ số PGI của tỉnh Nghệ An lần đầu tiên được công bố xếp thứ bậc 37/63 tỉnh,
thành trong cả nước tuy chưa phải là cao nhưng đã phần nào phản ánh rõ nét những nỗ
lực cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng quản trị môi trường của Đảng bộ và
chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, để khẳng định vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi
trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị môi trường đạt được như mong
muốn, tỉnh Nghệ An cần phải tập trung vào những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn
nữa. Bên cạnh làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường
của các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường,
tỉnh cần quy hoạch xây dựng các khu xử lý chất thải và kêu gọi các nhà đầu tư triển
khai các dự án có công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng
công tác thẩm định khi cấp phép các dự án và kiên quyết từ chối những dự án đầu tư
có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường./.
Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...