Theo số liệu báo cáo, tổng công suất nguồn điện mới được 55 địa phương này tổng hợp gửi Bộ Công thương đề nghị đầu tư lên tới con số hơn 440.000 MW. Trong đó tại một số tỉnh thành ngoài miền bắc, được coi là vùng tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo cũng đề nghị công suất bổ sung số công lớn vào Quy hoạch điện VIII như Thành Phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa...
Theo đó, Quảng Ninh, ngoài Dự án điện khí LNG giai đoạn I (1.500 MW) mới được khởi động vừa qua, Quảng Ninh cũng đề xuất bổ sung thêm vào quy hoạch, đầu tư tiếp giai đoạn II với công suất 1.500 MW. Ngoài ra, tỉnh này còn đề nghị bổ sung thêm 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII.
Với thành phố Hải Phòng, đây là cơ hội cho thành phố thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, do đó thành phố cũng đã đề xuất bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi, chưa kể trước đó, thành phố này đã đề xuất một số dự án điện khí LNG với quy mô lớn từ 1.500 MW trở lên.
Lân cận là Thái Bình, tỉnh này cũng đề xuất đưa 3 dự án điện gió trên bờ cùng ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 8.700 MW, và Dự án Trung tâm Điện khí LNG Thái Bình có tổng công suất lên tới 4.500 MW. Tiếp đó là Thanh Hóa, tỉnh này đề xuất bổ sung Trung tâm điện khí LNG Nghi Sơn công suất 9.600 MW vào Quy hoạch.
Còn lại với những địa phương đi đầu phát triển mạnh về năng lượng tái tạo trong vài năm vừa qua đã đề nghị bổ sung hàng chục ngàn MW điện gió ngoài khơi và các dự án điện khí LNG vào Quy hoạch điện VIII. Cụ thể như Ninh Thuận, Bình Thuận đều đề xuất bổ sung đưa vào quy hoạch khoảng 42.595 MW, trong đó điện gió ngoài khơi 21.000 MW và cùng điện khí LNG lẫn thủy điện.
Theo đó, Ninh Thuận đề xuất bổ sung gồm điện gió trên đất liền là 1.887,85 MW, điện gió ngoài khơi 21.000 MW, điện gió ven biển 4.380 MW, điện khí LNG 1.500 MW, thủy điện vừa và nhỏ 438 MW, thủy điện tích năng 3.600 MW, điện mặt trời 5.189,15 MW.
Tiếp đến là Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm 30.000 MW, trong đó có 7 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô 17.600 MW, gồm (Dự án Thăng Long Wind 3.400 MW; Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500 MW; Dự án Điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam 900 MW; Dự án Điện gió ngoài khơi AMI AC 1.800 MW; Dự án Điện gió ngoài khơi Bình Thuận 5.000 MW; Dự án Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000 MW và Dự án Điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong 1.000 MW. Về điện khí LNG, Bình Thuận đề nghị Dự án Điện khí LNG mũi Kê Gà 3.200 MW.
Bên cạnh đó UBND tỉnh Cà Mau cũng có văn bản hỏa tốc đề xuất bổ sung nguồn và lưới điện, trong đó có cả dự án điện khí, điện mặt trời lẫn điện gió. Cụ thể, tỉnh đề xuất 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 10.700 MW, 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 12.000 MW, trong đó có 6 dự án điện gió ngoài khơi.
Về điện mặt trời, Cà Mau đề xuất bổ sung 9 dự án với tổng công suất gần 2.900 MW với các dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Tại một số tỉnh Tây Nguyên cũng đề nghị bổ xung, trong đó có Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên với đề xuất đưa vào quy hoạch điện VIII khoảng 30 dự án điện mặt trời công suất khoảng 12.000 MW và 60 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 11.000 MW.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, mặc dù trong bối cảnh Việt Nam có những cam kết về giảm phát thải tại hội nghị COP26 mới đây nhưng với khả năng truyền tải và phụ tải giảm như hiện nay cũng không thể cân đối hết công suất. Vì căn cứ vào báo cáo cho thấy dự kiến công suất cân đối đến năm 2030 cũng chỉ tới 93.343 MW và năm 2045 đạt 189.917 MW. Do đó với đề nghị được tổng hợp từ 55 địa phương đã có văn bản lên tới 440.000 MW như hiện nay thì khó có thể thực hiện được.
Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực này, đây là một sự thuận lợi rất lớn của Việt nam so với các nước khác về tiềm năng điện gió và điện mặt trời. Thuận lợi này sẽ giúp Việt Nam đảm bảo được an ninh năng lượng và tự chủ được nguồn điện cho quốc gia. Do đó, cần có những chính sách phù hợp trong việc lập quy hoạch, đồng thời thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững nguồn điện năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh công tác tổ chức đấu thầu để phát triển các nguồn điện mới. Bởi với số dự án tiềm năng nhiều như vậy khi đấu thầu sẽ đem lại tính cạnh tranh cao. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước, mà các địa phương cũng dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư để thực hiện các dự án trên địa bàn của mình.