Cần tăng cường xây dựng và quản lý các tài sản sở hữu trí tuệ

2022-08-04 08:53:10

Mặc dù nhu cầu và nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được cho đã gia tăng đáng kể, thế nhưng, theo các chuyên gia, hoạt động này vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển…

>> Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi): Tạo cú hích cho đổi mới sáng tạo

Theo báo cáo thường niên sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2021 của Cục SHTT, trong giai đoạn 2010 - 2021, tại Việt Nam có trên 65.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế , trên 5.000 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31.000 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480.000 đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313.000 văn bằng được cấp ra.

Trong số đó, chủ thể là doanh nghiệp hiện chiếm 40,15% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021 (tăng từ 30,47% năm 2010) và chiếm 30% tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích (tăng từ 25,6% năm 2010).

Vụ việc liên quan đến gạo ST25 được cho là một trong những bài học lớn trong việc xây dựng và quản lý tài sản SHTT - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nhu cầu và nhận thức về bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng đáng kể, nhưng trong hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

“Quyền SHTT là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế”, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định.

Thông tin tại Hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0” mới đây, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quyền SHTT đã và đang trở thành công cụ chủ lực giúp doanh nghiệp thiết lập thế độc quyền và hợp pháp hóa khả năng khai thác giá trị từ các thành quả sáng tạo, định vị thương hiệu, xây dựng uy tín, nhằm mở rộng thị phần cũng như bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Lương Minh Huân, hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản SHTT cho doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay.

Thực tế, Báo cáo Chỉ số SHTT quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm 1 bậc so với năm 2021.

>> Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Xây dựng và quản lý các tài sản trí tuệ, không chỉ phòng chống nạn xâm phạm quyền SHTT, mà còn tạo ra công cụ nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nếu so sánh với con số hơn 860.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường, số lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp trong thời gian qua theo báo cáo thường niên SHTT đã nêu vẫn rất khiêm tốn. Chưa kể, những năm trở lại đây, chúng ta vẫn liên tục phải chứng kiến không ít bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền SHTT, thậm chí bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.

Vụ việc xảy ra đối với thương hiệu sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam trong năm 2021 được cho là một trong những ví dụ điển hình của việc xây dựng và quản lý các tài sản SHTT.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền SHTT lại càng trở nên phức tạp. Khi mà sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về SHTT mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Điển hình là các hành vi xâm phạm đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thông lên môi trường thương mại điện tử và internet. Cùng với đó, các FTA thế hệ mới, điển hình là CPTPP và EVFTA đã nâng cao mức độ bảo hộ quyền SHTT hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay. Mới nhất là hiệp định RCEP cũng đã đưa SHTT vào thành 1 chương trong cam kết giữa các bên, khiến bảo hộ SHTT giờ đây không còn là 1 sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.

Theo ông Bùi Trung Hiếu - Chuyên viên quản lý SHTT, Ban nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), vấn đề quan trọng nhất với các doanh nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ và vừa là nhận thức của cán bộ, công nhân viên về tầm quan trọng và lợi ích của việc ghi nhận và bảo hộ các tài sản SHTT. Doanh nghiệp phải đưa ra những quy định về mặt cơ chế, chính sách để thực hiện theo việc quản trị tài sản trí tuệ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh xây dựng và quản lý các tài sản trí tuệ, bởi đây là việc làm không chỉ để phòng chống nạn xâm phạm quyền SHTT, mà còn tạo ra công cụ nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp cần thấy rõ, với xu hướng hiện tại, SHTT là một loại tài sản mang lại giá trị kinh tế đáng kể và là thước đo cho sự phát triển và cải tiến của mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong quản lý về tài sản SHTT, luôn luôn phải có những biện pháp tra cứu, theo dõi xem tài sản của mình có bị vi phạm hay không và ngược lại, doanh nghiệp có vi phạm về tài sản SHTT của người khác không? Đây là việc tối thiểu mà doanh nghiệp phải làm ở ngay thị trường Việt Nam cũng như thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp có thể tiếp cận các hiệp hội, cơ quan quản lý Nhà nước, và cần tìm đến sự hỗ trợ của luật sư để có những bước đi hiệu quả nhất.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.