Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 , bức tranh kinh tế dần chuyển sang màu xám khi doanh nghiệp đã và đang phải hứng chịu những tổn thất nhất định.
Theo điều tra 2.800 doanh nghiệp vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) thực hiện cho thấy, bức tranh kinh tế rất đáng lo ngại khi có tới 94% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực rất nặng nề trong quý III/2021.
Thực tế, thống kê trong 10 tháng của năm 2021 cũng ghi nhận, chỉ có 93.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm hơn 18% về vốn đăng ký cũng như giảm gần 17% về số lao động so với cùng kỳ năm trước (năm mà hoạt động của doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn). Trong khi đó, có tới 48.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 16%; 35.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trước những thực trạng đã nêu, nhiều chuyên gia cho rằng, trọng tâm phục hồi kinh tế thời gian tới không thể chỉ trông chờ vào những gói hỗ trợ, mà còn cần cải thiện về môi trường kinh doanh, bởi, đây là nền tảng, trụ cột quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hiệu quả không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn.
Thông tin với báo chí, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ, môi trường kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Do đó, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhiều quốc gia đã coi khó khăn như là “lực đẩy” để họ tăng cường ứng dụng công nghệ số, chính quyền số... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Bình, sau đại dịch COVID-19, cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các quốc gia sẽ càng gay gắt hơn, nên việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được thực hiện mạnh mẽ hơn, từ đó thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước…
“Những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra đã buộc chúng ta phải quan tâm hơn đến những ưu tiên khác, nhưng có lẽ đã đến thời điểm phải quay trở lại tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Bình nêu quan điểm.
Ông Bình cho rằng, chương trình cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này cần tập trung cải thiện chất lượng quy định pháp luật theo tiêu chí của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Ngoài ra, những thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp phải được bãi bỏ, loại trừ…
Đồng quan điểm với ông Bình, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, do tác động của dịch bệnh COVID-19, các nhóm giải pháp của Chính phủ tập trung nhiều vào chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội… Vì vậy, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành có xu hướng chững lại.
Theo bà Thảo, bất cập hiện nay xuất hiện do chính sách pháp luật hay thay đổi, thiếu tính ổn định; năng lực soạn thảo chính sách, pháp luật còn hạn chế…; cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản nhưng chưa có đánh giá hiệu quả thực thi; số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ nhưng thực tế còn hình thức. Các yếu tố thị trường vận hành chưa hiệu quả…
“Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp cũng chuyển sang những ngành nghề kinh doanh mới, song thể chế chính sách vẫn còn những rào cản đối với quá trình này”, bà Thảo chia sẻ.
Từ đó, bà Thảo đề xuất, cần tiếp tục bãi bỏ những rào cản môi trường kinh doanh càng sớm càng tốt, những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết thì phải bỏ ngay. Nếu điều kiện kinh doanh nào thực sự cần thiết thì cũng phải cải thiện theo hướng làm cho các thủ tục đơn giản hơn, thuận lợi hơn.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu không cải cách thì Việt Nam khó có thể phục hồi kinh tế, do vậy, bên cạnh tập trung vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ cũng nên quan tâm đến vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, dù cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh không có trong Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2024, nhưng cần tiếp tục duy trì, kế thừa chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 nhưng có sửa đổi một số nội dung cho phù hợp, đồng thời mở rộng phát triển thêm, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong một số nội dung.
Chẳng hạn như: bãi bỏ 1/3 đến 1/2 danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng; cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng có độ rủi ro rất thấp hoặc gần như không có rủi ro; chỉ quy định những mặt hàng thực sự cần thiết phải quản lý; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; quyết liệt thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành…