Phía sau những vụ việc lùm xùm đã qua, để nâng cao chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư…
>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng cường tính minh bạch
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội , năm 2021, tổng giá trị TDPN phát hành đạt 720.000 tỷ đồng (tăng 52,5% so với năm 2020). Và đây cũng là năm bùng nổ của thị trường TPDN phát hành riêng lẻ, trong đó, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu chiếm 42% tổng giá trị phát hành, nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% (tăng 36,2% so với năm 2020). Tuy nhiên, sự tăng trưởng “nóng” của thị trường TPDN cũng đi kèm là những rủi ro như các vụ lùm xùm gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Sự tăng trưởng “nóng” của thị trường TPDN được cho cũng đi kèm là những rủi ro - Ảnh minh họa
Thực tế, để tránh lặp lại những vụ việc tương tự đã xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị TPDN bền vững.
>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điểm yếu ở kiểm tra và giám sát
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Ddoanh nghiệp trong thời gian tới, bởi, sau thời gian triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.
Từ đó, theo các chuyên gia, bên cạnh việc sửa đổi, bịt các “lỗ hổng”, Luật và Nghị định cũng phải tăng cường bảo vệ nhà đầu tư hơn, để nhà đầu tư có địa vị pháp lý mạnh hơn. Bởi, nếu không có cơ sở pháp lý thì nhà đầu tư sẽ chẳng có một địa vị gì để nói chuyện với nhà phát hành.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý không nên coi thị trường chứng khoán và cả TPDN là những thứ quá “mới mẻ” đối với Việt Nam. Thay vào đó, cần nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đơn giản hóa nhưng cũng nghiêm minh hóa hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư, coi họ là nguồn lực quốc gia…
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi, bịt các “lỗ hổng”, Luật và Nghị định cũng phải tăng cường bảo vệ nhà đầu tư hơn - Ảnh minh họa
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, bền vững, cần thiết phải bổ sung khung pháp lý thật sự minh bạch, cụ thể, trước hết là pháp lý liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu và cam kết thực hiện thỏa thuận phát hành cùng với quy chế giám sát thực hiện.
“Khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cần đề cao khâu tư vấn, đưa tư vấn thành một hoạt động chuyên nghiệp, được cấp phép. Đồng thời, chú trọng hơn nữa lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm theo hướng thành lập, cấp phép cho những tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm bài bản, khách quan, minh bạch”, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc tư vấn và xếp hạng tín nhiệm nếu được thực hiện hiệu quả sẽ giảm tâm lý “bầy đàn” trên thị trường, tránh tình trạng nhà đầu tư mắc bẫy doanh nghiệp phát hành trái phiếu “ma”, mua đi bán lại trái quy định trên thị trường thứ cấp hay vướng vào những cơn sốt ảo.
Ngoài ra, TS Lê Đăng Doanh đề xuất, cần tăng cường trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và có chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi tiếp tay, “ngó lơ” cho doanh nghiệp làm trái quy định, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững trong dài hạn, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, cần phải có sàn giao dịch TPDN, khi đó, trái phiếu cũng được xếp hạng và lên sàn theo tiêu chuẩn cụ thể như cổ phiếu trên sàn HNX, HSX hay UpCoM… Còn hiện nay, thị trường này mới chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn rồi hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư - như một công cụ vay nợ, chứ không phải thị trường TPDN giao dịch với thanh khoản tốt.
“Nếu phát triển đúng nghĩa, cần xây dựng TPDN là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Như thị trường New York (Mỹ), lượng trái phiếu lưu hành gấp nhiều lần cổ phiếu và hàng ngày vẫn có tính thanh khoản rất cao khi được mua bán, giao dịch, thay vì phần lớn chỉ phát hành một lần từ doanh nghiệp tới nhà đầu tư như hiện nay là rất rủi ro”, TS Đinh Thế Hiển cho hay.
Theo TS Đinh Thế Hiển, hiện nay, nhiều nhà đầu tư cá nhân lại mua TPDN theo lời giới thiệu của những nhân viên tư vấn để hưởng lãi suất cao, thay vì tìm hiểu rõ về doanh nghiệp phát hành, về dự án, mục đích phát hành và hiệu quả sử dụng vốn sau khi huy động của doanh nghiệp, nên dẫn đến tình trạng, TPDN dù đã có quy định rõ ràng về việc dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư cá nhân tin tưởng lời quảng cáo, mua rồi “lãnh đạn”.
Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân mua TPDN mà chỉ để những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các định chế, quỹ đầu tư, Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại… tham gia.
“Với nhà đầu tư cá nhân, nếu đầu tư vào kênh này có thể mua gián tiếp thông qua chứng chỉ của các quỹ mở, các quỹ đầu tư, bởi họ có đội ngũ chuyên gia, tư vấn chuyên nghiệp, lường hết được các rủi ro”, TS Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...