Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng mang lại những bài học kinh nghiệm, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tác động của dịch bệnh tạo ra thay đổi về kinh tế-xã hội , giúp chúng ta nhận ra những khiếm khuyết, điểm yếu trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để chúng ta kịp điều chỉnh cho một tương lai phát triển.

Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: Vân Sơn.

Doanh nghiệp bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: Vân Sơn.

Thời gian qua, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp... Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính tất cả các khoản hỗ trợ, bao gồm cả các kênh khác như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện nước, học phí… thì tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch trong năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP .

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp thời gian qua của nước ta chủ yếu giải quyết khó khăn ngắn hạn và các vấn đề về tài chính, vẫn thiếu tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ để phục hồi kinh tế gắn với cải cách, cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, với các biện pháp tài khóa được tăng cường cho phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, thâm hụt ngân sách nhà nước/GDP và nợ công/GDP năm 2021 sẽ tăng cao hơn so với năm 2020, ở mức 4,1%, 43,7% và 39,5% GDP.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng việc chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao hơn trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch và phục hồi kinh tế là cần thiết và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tình hình này sẽ được kiểm soát theo hướng giảm dần khi kinh tế tăng trưởng bền vững trở lại", TS Lực nhấn mạnh.

Do đó, để nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững, TS Cấn Văn Lực đưa ra 6 giải pháp để góp phần giúp Việt Nam có thể đạt được "đa mục tiêu" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, vừa đảm bảo an sinh xã hội năm 2021-2022.

Theo đó , thứ nhất , là cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ hai là cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản, dòng tiền, chi phí sinh hoạt cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là các lĩnh vực, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các lĩnh vực, đầu tàu phục hồi, phát triển tốt. Với đề xuất này, TS Lực đề xuất nên xem xét có chương trình hỗ trợ tổng thể đủ lớn cả về tài khóa và tiền tệ, để tiếp tục hỗ trợ an sinh người dân, tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Thứ tư là sớm hoàn thiện chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 và định hướng tiếp theo. Ngoài ra, vị chuyên gia này đề xuất cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro về giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động...

“Đặc biệt, tôi cho rằng cần có giải pháp kích cả tổng cung lẫn tổng cầu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nhóm giải pháp lấy lại vị thế thu hút vốn FDI và tạo điều kiện kinh tế tư nhân bứt phá sau đại dịch. Trong đó hết sức chú trọng khâu thực thi và nhất quán, phối hợp chính sách”, TS Lực nhấn mạnh.

Thứ năm , Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số.

“Theo tính toán của chúng tôi, chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP tăng trưởng thêm từ 0,53-1,85 điểm %/năm từ nay đến năm 2030, tùy thuộc vào mức độ chuyển đổi số”, TS Lực cho hay.

Thứ sáu là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Theo đó, Chính phủ cần sớm ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế cũng như các đề án cơ cấu lại cấu phần quan trọng như: doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công... nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.