Nhiều doanh nghiệp đã phải cố gắng hết sức để giữ được nguồn lao động, đảm bảo công ăn việc làm trong giai đoạn đại dịch bùng phát (Ảnh minh họa).
2 năm 2020 - 2021 và đặc biệt là quý III năm 2021, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19. Sang năm 2022, dù tình hình kinh tế đã bắt đầu khởi sắc nhưng bối cảnh kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức với nhiều yếu tố khó lường cả dịch bệnh lẫn tình hình phức tạp trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thích ứng và vượt khó, tóm tắt qua "4 chữ Động".
Chữ động thứ nhất và làm sao thu xếp đủ vốn lưu động khi kinh doanh vừa qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải trải qua giai đoạn không có doanh thu, không có khách hàng. Dòng tiền của doanh nghiệp từng bị thiếu hụt nghiêm trọng, gặp khó khăn để trang trải đủ các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: Các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…). Thiếu hụt dòng tiền nên nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Thiếu nguồn vốn lưu động nên doanh nghiệp rất khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh.
Điều đáng khích lệ là những chính sách của Nhà nước thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn như giãn, hoãn thuế, miễn giảm nhiều khoản thu, không chuyển nhóm nợ với các khoản vay chưa trả được do khó khăn khách quan bởi dịch bệnh… Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi mà Quốc hội và Chính phủ vừa thông qua đầu năm 2022 hy vọng sẽ đi vào thực tiễn nhanh chóng, nhất là nhóm giải pháp liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.
Chữ động thứ hai là doanh nghiệp phải đảm bảo đủ nguồn lao động khi sản xuất phục hồi trở lại. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Một bộ phận người lao động cũng vì đời sống khó khăn, dịch bệnh căng thẳng mà phải rời TP HCM, rời các tỉnh Đông Nam Bộ, các trung tâm kinh tế để về quê. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI còn thiếu hụt lao động chuyên gia, quản lý nước ngoài do những hạn chế trong vấn đề nhập cảnh và cấp giấy phép lao động trong bối cảnh dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp đã phải cố gắng hết sức để giữ được nguồn lao động, đảm bảo công ăn việc làm, có chủ doanh nghiệp phải bán nhà, bán xe để có tiền trả lương cho công nhân. Giai đoạn 2 năm vừa rồi, rất nhiều lao động trong các lĩnh vực khác nhau dù có kinh nghiệm, có kỹ năng nhưng vì mưu sinh đã phải bỏ nghề cũ tìm kiếm việc làm để sinh sống, quay trở lại nghề cũ hoàn toàn không dễ. Một số ngành nghề đang phục hồi trở lại như du lịch, dịch vụ đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.
Giai đoạn vừa qua Nhà nước cũng đã có các chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ người lao động đã phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động. Nhưng hơn lúc nào hết, qua đại dịch chúng ta thấy rằng cuộc sống của những người lao động tại các trung tâm công nghiệp đang quá tạm bợ, họ vẫn chưa thực sự bám rễ vào vùng đất mới. Cần có nhiều chính sách dài hạn về nhà ở, giáo dục, y tế, an sinh xã hội cho nguồn nhân lực quan trọng này.
Chữ động thứ ba là tính năng động của chính quyền các cấp trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đại dịch Covid-19 với những tác động chưa từng có đã giúp khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo Việt Nam trong việc chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, sự năng động từ Trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn. Năm 2022 và có thể nhiều năm tới, chúng ta xác định dịch bệnh chưa thể qua nhanh, tình hình chính trị thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức khó lường như xung đột quân sự, đối đầu giữa các nước lớn, lạm phát có thể gia tăng… do vậy bối cảnh bất ổn, khó dự báo luôn cần có phản ứng năng động, kịp thời của chính quyền.
Chữ động thứ tư là chương trình hành động nhanh chóng, khẩn trương . Chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua (Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ phục hồi). Nghị quyết 43 đã được thông qua tại một kỳ họp Quốc hội đặc biệt, với quy trình, thủ tục đặc biệt nhanh chóng, chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và nền kinh tế. Vấn đề là làm sao Chương trình hỗ trợ phục hồi này được thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất trong năm 2022 này và năm 2023 sắp tới. Dù đã hơn 4 tháng đầu năm 2022 nhưng đáng lo là nhiều nhóm chính sách của chương trình hỗ trợ phục hồi vẫn chưa được ban hành chính thức và chưa đi được vào cuộc sống.
Các đà cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đã có trong nhiều năm qua cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian sắp tới, mục tiêu là nâng cấp được môi trường kinh doanh của Việt Nam lên cấp độ cao hơn, vào nhóm dẫn đầu trong ASEAN. Các chương trình hành động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đổi mới quản lý chuyên ngành trong xuất nhập khẩu cần tiếp tục là ưu tiên trong giai đoạn tới.
Tác giả: Ông Đậu Anh Tuấn là Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ông Tuấn được biết đến là một chuyên gia cổ vũ mạnh mẽ cho các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông là một trong những người khởi xướng và phụ trách Chương trình Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Nguồn: Báo Dân Trí
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...