233.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế và thuê đất cho doanh nghiệp và người dân

2022-11-25 10:13:00

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu tại Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022.

>>>Ngành Tài chính đã có những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp

Các đại biểu tham gia đối thoại với doanh nghiệp - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP. HCM , đánh dấu năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế - hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế - hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.

Theo ông Võ Tân Thành, vào thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của World Bank năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam là đội sổ trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.

“Nhưng đến nay, với quyết tâm thực hiện cho được công cuộc cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, bền bỉ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước nâng cao thứ hạng của ngành trong xếp hạng quốc tế và đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Cũng theo ông Thành, trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị và qua theo dõi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp , ban tổ chức đã tiến hành đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp. Ông đánh giá, điểm nổi bật nhất trong các kiến nghị của doanh nghiệp bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn, việc áp mã HS, mã số mã vạch, hàng quá cảnh, các mức thuế, phí, qui trình hoàn thuế phí… cũng được các doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể.

Đồng thời, ông cũng khẳng định, tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính trước Hội nghị để xem xét, giải quyết đầy đủ.

Tại Hội nghị này. Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đề nghị các doanh nghiệp phát biểu ý kiến nêu trọng tâm vấn đề và có ý kiến đóng góp cho các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp trong giải quyết của cơ quan thuế và hải quan, phát hiện, tư vấn góp ý, kiến nghị các nội dung cụ thể không chỉ tại Hội nghị ngày hôm nay mà còn trong thực tiễn công việc sau này của cá nhân doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

>>>Sắp diễn ra Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để theo dõi, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, đồng thời phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI, các Hiệp hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ , trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng.

“Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi trong các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội”, Thứ trưởng Cao Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016 - 2020 cũng như giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã ưu tiên chú trọng cải cách về thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế và hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo thuận lại cho doanh nghiệp.

Hội nghị thu hút đông đảo doanh nghiệp các tỉnh thành phía Nam tham dự - Ảnh: Đình Đại.

Đối với lĩnh vực hải quan, Thứ trưởng Cao Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, cơ chế 1 cửa ASEAN. Đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin , tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Qua đó, giúp giảm thiểu được giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí và lệ phí đã và sắp ban hành ngay trong thời gian tới. Đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu được đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế và phù hợp với các tiêu chuẩn của thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý trong nguồn lực cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Tuấn Anh chia sẻ.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.