Trong khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 đang diễn ra ở Glasgow giữa bối cảnh những cảnh báo nghiêm trọng về tương lai của hành tinh, với trọng tâm là Châu Á đang đốt ngày càng nhiều than hơn, thị trường than châu Á tiếp tục hạ nhiệt.
Giá than quá cao trong thời gian qua đã khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện như thép, nhôm, xi măng, hóa chất… phải cắt giảm sản lượng, trong khi biểu giá điện mới dự kiến sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên, gây áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Tình trạng đó đã buộc chính phủ Trung Quốc phải công bố một loạt các biện pháp mà nhằm hạ nhiệt thị trường than đá.
Giá than tại khắp nơi trên thế giới đang lao dốc nhanh chóng sau những động thái can thiệp đó. Cho đến thời điểm hiện tại, giá than tại Trung Quốc giảm hơn 53% từ mức cao kỷ lục lịch sử, 1.982 nhân dân tệ/tấn đạt tới vào ngày 19 tháng 10.
Giá than nhiệt kỳ hạn tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu (Trung Quốc) ngày 1/11 đã giảm tiếp 9,26% so với phiên liền trước, xuống 925,2 nhân dân tệ (144,48 USD)/tấn, sau khi vừa trải qua tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng hơn 5 năm.
Tuần qua, giá hợp đồng này đã giảm 27,6%, mức giảm nhiều chưa từng có kể từ tháng 9/2016. Trong đó, riêng phiên cuối tuần, ngày 29/6, giá giảm kịch ngưỡng cho phép, giảm 10%, xuống dưới ngưỡng 1.000 nhân dân tệ/tấn.
Giá than nhiệt giao ngay tại trung tâm giao dịch ở miền bắc – Tần Hoàng Đảo – tuần qua cũng giảm xuống 1.500 nhân dân tệ/tấn, giảm 41% so với mức kỷ lục cao 2.545 nhân dân tệ của ngày 19 tháng 10. Tại các mỏ khai thác, giá than nhiệt hàm lượng năng lượng 5.500 kilocalories kỳ hạn giao ngay đã giảm xuống dưới 1.200 nhân dân tệ/tấn.
Gía than kỳ hạn tham chiếu tại Châu Âu cũng giảm hơn 50% từ mức cao kỷ lục 193 USD/tấn hồi đầu tháng 10. Với giá tại Đức giảm 6,5% trong ngày 1/11 xuống 102 euro/megawatt-giờ, thấp nhất kể từ 23/9.
Giá than nhiệt tiêu chuẩn của Australia - Chỉ số Newcastle Weekly Index, được đánh giá bởi cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus - cũng giảm xuống còn 199,81 USD/tấn trong tuần tính đến ngày 29 tháng 10, giảm 21% so với mức kỷ lục chạm tới vào ngày 15 tháng 10, là 252,72 USD.
Giá than chất lượng thấp của Indonesia, hàm lượng năng lượng 4.200 kcal/kg, tuần qua cũng giảm xuống 135,40 USD/tấn, thấp hơn 5,4% so với mức đỉnh cao của ngày 15/10 là 143,14 USD.
Việc giá than Indonesia giảm ít hơn các nơi khác có thể là sự phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của khách hàng Trung Quốc từ những tháng gần đây, sau khi Bắc Kiunh cấm nhập khẩu than Australia.
Giá than ở Châu Âu đã giảm hơn 50% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục lịch sử theo xu hướng giá ở Châu Á.
Nguồn cung cải thiện
Nguồn cung than ở Trung Quốc, cả than nội địa và than nhập khẩu, đều đang tăng lên.
Kể từ tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt việc mở rộng công suất tại hàng trăm mỏ than trên khắp cả nước. "Sản lượng than trung bình hàng ngày đã đạt hơn 11,5 triệu tấn trong nhiều ngày liên tiếp kể từ giữa tháng 10, hiện đạt mức cao nhất là 11,72 triệu tấn", Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết. Nếu mức sản lượng bổ sung đó tiếp tục được duy trì, các chuyên gia tính toán thấy nước này năm nay có thể sản xuất nhiều nhiên liệu hơn bất cứ một năm nào trong quá khứ.
Lượng than cung cấp hàng ngày cho các nhà máy nhiệt điện chủ chốt ở Trung Quốc cũng đã lên tới 8,32 triệu tấn, mức cao nhất trong lịch sử, giúp cho lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện của nước này tăng lên 106 triệu tấn, cao hơn 28 triệu tấn so với cuối tháng 9, tương đương lượng tiêu thụ trong 19 ngày. NDRC ước tính lượng than dự trữ đó sẽ vượt mức 110 triệu tấn chỉ sau 3 ngày nữa. Dự trữ than tăng cho thấy nguồn cung trung bình ngày đang vượt quá mức tiêu thụ.
Nhập khẩu than vào Trung Quốc trong tháng 10 ước tính cũng tăng so với tháng 9. Số liệu thống kê sơ bộ của nhà tư vấn hàng hóa Kpler cho thấy lượng than các loại nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 10 là 29,6 triệu tấn, tăng so với 27,9 triệu của tháng liền trước.
Bên ngoài Trung Quốc, cuộc khủng hoảng than cũng có vẻ đang giảm bớt. Sản lượng than nội địa ở Ấn Độ đang tăng lên, sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động khai thác và vận chuyển.
Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ hai trong khu vực, cũng tăng nhập khẩu than trong tháng 10, Kpler ước tính lên tới 15,51 triệu tấn, so với 13,73 triệu trong tháng 9. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu đó vẫn thấp hơn nhiều so với mức phổ biến là khoảng 20 triệu tấn/tháng trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tấn công các nền kinh tế châu Á, vào đầu năm 2020.
Nhật Bản, nhà nhập khẩu lớn thứ ba ở châu Á, cũng tăng lượng nhập trong tháng 10, với Kpler ước tính lên đến là 16,9 triệu tấn, so với 16,33 triệu tấn nhập khẩu trong tháng 9 và là mức nhập khẩu nhiều nhất kể từ tháng 1 năm 2020.
Sự gia tăng nhập khẩu diễn ra bất chấp giá than nhiệt giao ngay cao kỷ lục, mặc dù hàng hóa cập cảng vào tháng 10 đã được mua trước khi giá đạt mức cao nhất mọi thời đại, vào giữa tháng 10.
Nhìn chung, có những dấu hiệu cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung - đã từng đẩy giá than đá ở châu Á lên mức cao kỷ lục lịch sử - đang giảm bớt. Nhưng để giá giảm trở lại như một năm trước, có thể sẽ cần nhiều sự can thiệp hơn nữa từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc.
Mặc dù tình hình cung cấp than ở Trung Quốc gần đây đã được cải thiện đáng kể sau những nỗ lực của các nhà sản xuất than, ngành hậu cần và cả người sử dụng ở hạ nguồn, trong khi giá than cũng bớt biến động mạnh, song giá than nhiệt hiện vẫn cao hơn trên 80% so với đầu năm 2021, và giá than hàng thực cũng như ở các hợp đồng kỳ hạn tương lai đều vẫn cao hơn mức 530-580 nhân dân tệ/tấn – ngưỡng giá mà từ lâu thị trường đã xem là mốc giá chính thức.
Do đó, Trung Quốc tuyên bố có thể sẽ hành động hơn nữa sau khi tiến hành các cuộc điều tra ở các nhà sản xuất than.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...