Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) cuối năm 2019, khi chưa có dịch COVID-19 , có 86% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay luôn khó khăn,... Khi dịch COVID-19 diễn ra, việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn hơn, điều này khiến doanh nghiệp bế tắc trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Mới đây, phát biểu thảo luận tại tổ về nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vào chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, một trong những gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tính đến là cấp bù lãi suất cho người dân và doanh nghiệp. Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện gói này.
“Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khóa, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Khoảng 20.000 tỷ đồng/năm chẳng hạn, như vậy, sẽ hỗ trợ 2 - 3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, để phát triển, sản xuất mới như lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống…”, Bộ trưởng Phớc chia sẻ.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gợi ý ngân sách Nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm đưa gói hỗ trợ tín dụng này vào thực tế, bởi đây được cho là “liều oxy” cấp thiết dành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Thông tin với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Đỗ Xuân Lập cho biết, mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5%/năm, cùng những gói tín dụng ưu đãi khác nhưng mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại, và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.
Ông Lập đề nghị, cần nhanh chóng có gói hỗ trợ từ Nhà nước, giảm lãi suất đối với cả nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất còn cao như hiện nay.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) - Bùi Doãn Nề, từ năm 2020, Hiệp hội đã đề xuất cho doanh nghiệp hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù 4%) trong thời gian 3 - 4 năm, và được áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay với lãi suất 0%/năm như đã áp dụng với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Song đến nay, gói hỗ trợ này vẫn chưa được phê duyệt.
Ông Nề mong cơ quan quản lý sớm triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, bởi doanh nghiệp gần như đã kiệt quệ.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nếu được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, gói cấp bù lãi suất là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói này nên cần chờ thêm thời gian nữa.
Liên quan đến gói tín dụng này, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng tuy chỉ tương đương 1% tổng dư nợ toàn hệ thống, song vẫn có thể tạo sự lan tỏa tốt. Về tiêu chí chọn doanh nghiệp, trong bối cảnh ngân sách có hạn, các bộ, ngành sẽ phải khoanh vùng đối tượng ưu tiên, giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động, trên quan điểm hỗ trợ có chọn lọc, đúng và trúng mục tiêu, đối tượng tránh việc hỗ trợ tràn lan, dàn trải.
“ Nên tập trung vào các ngành hàng thế mạnh, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và có tiềm năng, triển vọng phục hồi tốt sau dịch bệnh, như xuất khẩu (dệt may, nông sản, linh kiện điện tử), nông nghiệp, hàng không… Sau khi xác định rõ ngành nghề được tiếp cận gói tín dụng này, thì cơ quan chức năng cũng phải có cơ chế giám sát chặt nguồn vốn vay ưu đãi, tránh tình trạng cho doanh nghiệp thân hữu vay ưu đãi lãi suất như đã xảy ra năm 2009”, ông Thịnh cho hay.