Yêu cầu đổi mới để bắt kịp xu thế

2023-07-31 10:04:54

Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thời gian qua, do các biến động phức tạp về địa chính trị thế giới đã và các thị trường lớn của Việt Nam đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Diễn đàn sẽ lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp ủa các chuyên gia, doanh nghiệp

Theo đó, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022 trước đó. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Tính chung 6 tháng đầu, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2022.

Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

“Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về lượng và chất, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Đối với VCCI, để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, VCCI đã đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện.

Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh. Thứ hai, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ ba, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Thứ năm, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, chỉ có doanh nghiệp mới biết doanh nghiệp cần gì nhất. Và chính cộng đồng doanh nghiệp cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công.

Để nhận diện rõ những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, thảo luận đề xuất những giải pháp tháo gỡ cũng như hỗ trợ donah nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ phục hồi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức: “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng và mong muốn, các đại biểu tham dự sẽ trao đổi thẳng thắn, chia sẻ những đề xuất để cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết hướng tới năng suất hiệu quả và tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp. Tôi cũng kỳ vọng từ các khuyến nghị của chuyên gia, chúng ta cũng chia sẻ thêm những xu hướng, cơ hội mới từ kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 và đầu 2024 để doanh nghiệp nắm bắt, thích ứng và phục hồi, phát triển.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp