Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Có thể nói, sau gần 40 năm đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phát triển lớn mạnh về số lượng mà cả về chất lượng, thể hiện qua việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho doanh nghiệp mình. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu và đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng, thể hiện rõ nét nhất là việc tham gia chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Thống kê cho thấy, sau 20 năm thực hiện, số doanh nghiệp tham gia vào Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng mạnh, trong đó số doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng gần 6 lần, từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.
Các đơn vị đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022.
Trong số những doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam phải kể đến những thương hiệu có giá trị như Viettel, Vinamilk, TH, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hoà Phát, Vietnam Airlines, Bitis, PNJ, BRG, Nutrifood, Masan,… Chính nhờ sự phát triển của thương hiệu các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2019 giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá là 247 tỷ USD nhưng năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.
Điều này cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hiệp hội doanh nghiệp và người sử dụng lao động, VCCI cũng đã luôn nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để xây dựng và phát triển các thương hiệu.
Ngoài các hoạt động giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, VCCI còn tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động bình chọn, khen thưởng và tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp thông qua các giải thưởng có uy tín như: “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Doanh nhân Nữ Việt Nam tiêu biểu” - Cúp Bông Hồng Vàng, “Doanh nghiệp vì người lao động”, Chương trình xếp hạng các doanh nghiệp bền vững,… cho các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu.
Lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022
VCCI cũng tích cực triển khai phong trào Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, góp phần xây dựng hình ảnh các thương hiệu sản phẩm Việt đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, VCCI còn phối hợp với Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA), Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về xây dựng và bảo hộ thương hiệu nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp các giải pháp để xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công ký kết hợp tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư-thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam.
VCCI cũng có hẳn một đơn vị giúp tư vấn xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các doanh nghiệp đó là Công ty TNHH Sở hữu Trí tuệ VCCI-IP. Đây chính là các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu đến năm 2045, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu mà Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra.
Phóng viên: Theo ông, việc các doanh nghiệp Việt Nam có chứng nhận sản phẩm thương hiệu quốc gia có phải là bệ phóng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường cung ứng, vươn ra thế giới, góp phần nâng tầm thương hiệu hàng hóa Việt Nam?
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của thương hiệu trong thế giới hiện nay. Giờ đây, khách hàng tiêu dùng chủ yếu dựa vào thương hiệu. Thương hiệu của doanh nghiệp là một tài sản vô hình có giá trị quan trọng đối với một doanh nghiệp. Chính sự nổi tiếng của thương hiệu là một sự bảo đảm cho thành công của doanh nghiệp.
Thương hiệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và sâu rộng hơn; tạo ra cơ hội thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường đối với các thương hiệu mạnh. Hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán giá cao hơn so với các hàng hóa tương tự nhưng mang thương hiệu xa lạ.
Ngoài ra, một thương hiệu mạnh sẽ giúp bán được nhiều hàng hơn (nhờ tác dụng tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm của chính những người tiêu dùng). Thương hiệu nổi tiếng không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho doanh nghiệp trong quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ, mà còn tạo điều kiện và như là một sự đảm bảo thu hút đầu tư và gia tăng các quan hệ bán hàng. Khi đã mang thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn khi đầu tư vào doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đi theo đúng quy luật của các doanh nghiệp trên thế giới. Bên cạnh câu chuyện cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng thương hiệu để dần bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đi theo đúng quy luật của các doanh nghiệp trên thế giới. Bên cạnh câu chuyện cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng thương hiệu để dần bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp.
Ở nước ta, “Chương trình thương hiệu quốc gia” được Chính phủ phê duyệt xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua hàng hóa, dịch vụ gắn với giá trị: “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”, đồng thời tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhà nước đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện.
Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội từ sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với 16 FTA đã ký kết và thực thi, trong đó có nhưng FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVTFA.
Theo Brand Finance, Top 50 thương hiệu doanh nghiệp tăng trưởng giá trị nhất Việt Nam với mức tăng trưởng về giá trị cao nhất là 36%. Trong số những doanh có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã vươn tầm ra khu vực và thế giới như Viettel, Vinamilk, Vietnam Airlines, … Điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển thương hiệu quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn.
Phóng viên: Xin ông cho biết, hiện nay doanh nghiệp gặp phải những hạn chế, khó khăn gì trong quá trình xây dựng thương hiệu?
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế. Quá trình hội nhập này đã mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa nhưng cũng sẽ dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường trong nước. Trong xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.
Xây dựng thương hiệu là điều cần thiết, bởi đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia. Tuy nhiên, đến nay thương hiệu vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, còn lại phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ít doanh nghiệp có quan niệm, việc xây dựng thương hiệu là thường tốn nhiều nguồn lực và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn.
Chính vì tư duy đó mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị yếu thế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này dẫn đến hậu quả, nhiều khách hàng đã quay lưng lại với các sản phẩm trong nước, quan tâm đến các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau nhiều về chất lượng, hình thức, giá cả.
Điều này đòi hỏi bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng xây dựng thương hiệu, cần có các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, yếu tố thương hiệu đóng vai trò quan trọng cũng như tăng ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài. Nhưng thực trạng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.
Minh chứng cho điều này chính là lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Mặc dù Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu… nhưng nông sản mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện rất khiêm tốn.
Một số doanh nghiệp lại chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis… do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Phóng viên: Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng thương hiệu và VCCI cần làm gì để doanh nghiệp quan tâm hơn đến phát triển thương hiệu của riêng mình?
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Với doanh nghiệp, lợi nhuận là mục đích quan trọng. Tuy vậy, theo đuổi lợi nhuận trong kinh doanh không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bỏ qua tất cả các chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc liêm chính và chất lượng sống của cộng đồng. Ngược lại, chỉ khi doanh nghiệp tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực của xã hội, từ đó hình thành nên thương hiệu – danh tiếng của mình, thì khi đó, việc kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự đạt hiệu quả.
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phải bằng cách xác định xây dựng đạo đức trong kinh doanh như là nền tảng giá trị, phần không thể tách rời khỏi các hoạt động của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh phải thực sự được vận dụng thấu đáo trong mọi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác, khách hàng và người tiêu dùng.
Nhiều ví dụ cho thấy, khi doanh nghiệp chỉ chú ý lợi nhuận mà lơ là các yếu tố khác thì việc kinh doanh sẽ gặp vấn đề, thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới đứt gãy thị trường và có nguy cơ phá sản. Vì vậy, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phải bằng cách xác định xây dựng đạo đức trong kinh doanh như là nền tảng giá trị, phần không thể tách rời khỏi các hoạt động của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh phải thực sự được vận dụng thấu đáo trong mọi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác, khách hàng và người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng
Với vai trò là một tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI sẽ đẩy mạnh xây dựng, thực hành nâng cao đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh tương xứng với yêu cầu của một quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại góp phần xây dựng những thương hiệu quốc gia mang tầm cỡ quốc tế.
Bên cạnh đó, VCCI đã thực hiện nhiều các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về vai trò của việc xây dựng và bảo vệ, phát triển thương hiệu. Ngoài ra, VCCI cũng đang tích cực phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu của sản phẩm tại nhiều địa phương trong cả nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...