Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc giảm các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2020 ghi rõ: “trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025… giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ”. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đã nghiêm túc thực hiện các quy định về hạn chế thẩm quyền ban hành văn bản của Bộ trưởng, như: không được ban hành thông tư mới hoặc không được ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh.
Những đạo luật quan trọng
Các đạo luật được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là các văn bản pháp luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, công bằng, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Cộng đồng doanh nghiệp đang được chắp thêm cánh
Trong năm 2019, cộng đồng doanh nghiệp đã phán ánh nhiều bức xúc về những chồng chéo, mâu thuẫn trong trìnhtự thủ tục đầu tư giữa Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành khác thìLuật Đầu tư 2020 được cho là đãgiải quyết phần lớn những vướng mắc đó.Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật cùng quy định về vấn đề này. Luật tiếp tục bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy số lượng ngành nghề được bãi bỏ chưa đáp ứng hết kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng việc rút ngắn thêm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 xuống còn 227đã thể hiện được quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy “quyền tự do kinh doanh” của người dân.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 cũng có những điểm chưa thật sự thuyết phục, tạo ra không ít băn khoăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc bổ sung thêm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đã hạn chế tuyệt đối quyền kinh doanh của doanh nghiệp trong khi những lý giải về việc này là chưa thực sự thoả mãn. Đề cập về vấn đề này, ông Vũ Đức Danh – Giám đốc một Doanh nghiệp chuyên về xây dựng cho rằng, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh không ít các trường hợp biến tướng, vi phạm trật tự, an toàn xã hội. “Việc đòi nợ là rất cần thiết trong thực tế kinh doanh mà hầu như doanh nghiệp nào cũng từng trải qua. Vấn đề là Luật cần có các quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này”, ông Danh nhấn mạnh.
Luật Doanh nghiệp 2020 được ban hành với mục tiêu tổng thể nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Luật tiếp tục có những bước cải cách đáng ghi nhận trong các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quy định mới về doanh nghiệp Nhà nước; sửa đổi một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Nhiều nhà đầu từ đã được hưởng lợi từ Luật Doanh nghiệp 2020
Tuy nhiên, việcluật hóa hộ kinh doanh lại chưa thực hiện được, đây là một “thiếu sót” theo ý kiến của không ít doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 6 triệu hộ kinh doanh thu hút hơn 8 triệu lao động, tạo ra khoảng 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, đóng góp trên 30% GDPnhưng lại chưa được đánh giá đúng về vị trí, vai trò so với các chủ thể kinh doanh khác, thậm chí “bất lực” trước các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và rất nhiều các giới hạn khác. Ở một góc nhìn đa chiều, bà Nguyễn Hoàng Huệ - Chủ một Hộ kinh doanh tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh cho biết: chúng tôi cảm thấy không ít thiệt thòi như khó làm ăn lớn, không được sử dụng trên 10 lao động, hoạt động nhỏ lẻ nên khó tạo được niềm tin cũng như thương hiệu. Tuy nhiên, khi lên doanh nghiệp, chúng tôi sẽ vướng vào một số “lằng nhằng” khác về sổ sách kế toán, mô hình tổ chức và quản lý phức tạp hơn, phải theo khuôn khổ và thuế cũng là một vấn đề rất tế nhị. Nhiều hộ kinh doanh khác cũng có suy nghĩ như tôi, mong các cấp chính quyền lưu ý và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ”, bà Huệ bộc bạch.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là Luật thống nhất điều chỉnh hoạt động đầu tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư một số lĩnh vực hạ tầng quan trọng, thiết yếu theo phương thức đối tác công - tư. Đây là Luật mới, nâng cấp từ cấp Nghị định lên thành Luật. Luật PPP khu biệt 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực cụ thể bao gồm: Giao thông, lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục – đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra, Luật cũng đưa ra một số quy định mới về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (cơ chế chia sẻ với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên; điều kiện cho việc chia sẻ phần giảm doanh thu); mối quan hệ giữa Nhà nước – nhà đầu tư; dừng thực hiện các dự án xây dựng – chuyển giao(BT) trong thời gian tới.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các dự án PPP vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai mà chúng ta từng bước cần phải giải quyết. Việc xử lý dứt điểm những khuyết điểm của các dự án PPP đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, phù hợp với thực tiễn là yêu cầu cấp bách để các nhà đầu tư yên tâm trở thành đối tác.“Để thúc đẩy đầu tư PPP, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khẩn trương soạn thảo, ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho phù hợp với các thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, tạo khung pháp lý cho sự phát triển PPP”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với nhiều nội dung mới sẽ tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là đạo luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp cho các nhà đầu tư tránh được rủi ro trong trườnghợp thay đổi chính sách, góp phần giảm thiểu những vướng mắc đang tồn tại hiện nay; đồng thời, tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư cũng như đảm bảo cho việc thực hiện dự án thành công.
Vẫn cần tiếng nói phản biện của cộng đồng doanh nghiệp
Chính phủ đã và đang gấp rút ban hành các Nghị định hướng dẫn theo trình tự rút gọn, nên việc lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động không phải là yêu cầu bắt buộc.Do vậy,việc xây dựng VBQPPL theo quy trình này sẽ phần nào làm giảm cơ hội tiếp cận và tham gia ý kiến phản biện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân - đối tượng chịu tác động trực tiếp. Điều này có thể tạo ra một số quan ngại về chất lượng của các nghị định hướng dẫn.
Ông Nguyễn Văn Nam – Giám đốc Công ty CP Kế toán – Đại lý Thuế Office360khẳng định, sau hơn 10 năm mong mỏi, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đã chính thức được luật hoá với nhiều quy định tăng cường tính công khai, minh bạch, chống thất thoát; tranh thủ được nguồn tài chính, công nghệ, quản trị của khối doanh nghiệp tư nhân; giảm nợ công cho Nhà nước. Luật PPP cũng tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản đối với các dự án PPP, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng. Luật Doanh nghiệp 2020được ban hành tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn hơn cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp với nhiều cải cách đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn, thậm chí là “gánh nặng” cho các cấp chính quyền, đặc biệt là những cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh. Với một tỉnh lớn như Nghệ An có trên 23.000 doanh nhiệp thìđây càng là vấn đề nhạy cảm và nghiêm túc, mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ những nguồn lực cần thiết, kịp thời để việc triển khai, thi hành Luật có hiệu quả, ông Nam đề nghị.
Dấu ấn lập pháp
Một trong những dấu ấn lập pháp của Quốc hội năm 2020 là đã chưa tán thành đề xuất một số Dự án Luật như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở. Cùng với việc Quốc hội không tán thành việc tách Dự án Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện được vai trò của cơ quan lập pháp trong quyết định chính sách lớn và chất lượng của hoạt động xây dựng VBQPPL.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành vào kỳ họp tháng 11/2020 cũng là văn bản pháp lý quan trọng đối với các doanh nghiệp, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Luật này với trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân bằng quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Các thủ tục hành chính và nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được quy định theo hướng nghiêm ngặt hơn, các yếu tố môi trường của dự án đầu tư được xem xét kỹ hơn, nhưng cũng sẽ làm tăng rủi ro cũng như chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý điều này khi có ý định đầu tư các dự án liên quan./.
Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...