Ngày 23/08/2024, Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “ Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong tình hình mới” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương; đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh - Quảng Bình cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe và thảo luận những nội dung về Quy định và thực tiễn về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại Việt Nam; Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM; Hướng dẫn doanh nghiệp phòng ngừa và ứng phó với các vụ việc PVTM trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Đức Dũng – đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hành vi và các loại hình biện PVTM diễn ra rất phức tạp với nhiều hiện tượng như: Giá bán xuất khẩu thấp hơn giá bán nội địa, có trợ cấp của Chính phủ cho doanh nghiệp gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; gia tăng nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Từ đó, các doanh nghiệp lẩn tránh bằng cách thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp PVTM đang áp dụng.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã quy định về các biện pháp PVTM bằng các Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng,… Tương tự, Việt Nam cũng có những biện pháp phòng vệ như Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 – Chương IV về các biện pháp PVTM (từ Điều 67 đến Điều 99), Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Thông tư số 37/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện PVTM.
Theo ông Dũng, cho đến hết năm 2023, thế giới đã có nhiều vụ việc khởi xướng điều tra PVTM theo ngành hàng: Kim loại cơ bản và các sản phẩm kim loại, hóa chất và các ngành liên quan, máy móc và thiết bị điện, các sản phẩm dệt may, các sản phẩm từ thực vật, thực phẩm chế biến sẵn, rượu mạnh, thuốc lá,… Tại Việt Nam, tình hình khởi xướng điều tra tính đến ngày 19/08/2024 đã có 06 vụ việc tự vệ, 20 vụ việc chống bán phá giá, 02 vụ việc chống lẩn tránh. Lý giải việc Việt Nam ít áp dụng biện pháp PVTM hơn các quốc gia khác, ông Dũng cho rằng Việt Nam mới bắt đầu điều tra từ năm 2009, hạn chế bởi phương thức thống kê và sự chủ động của ngành sản xuất trong nước. Việc áp dụng các biện pháp PVTM đã có nhiều tác động đối với ngành sản xuất trong nước như: Lượng hàng hóa nhập khẩu giảm, nguồn cung chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm.
Việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM là rất khó khăn. Các đối tượng luôn có các hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi nhập khẩu hàng hóa như: Sử dụng C/O giả; khai sai C/O; lợi dụng phân luồng miễn kiểm tra; nhập khẩu hàng hóa về gia công, sản xuất, lắp ráp; nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa có mã số HS đầu vào và đầu ra trùng nhau; nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu/bán thành phẩm về để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ông Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tích cực chủ động đấu tranh, xây dựng ciến lược xuất khẩu, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần chuẩn bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, theo dõi sat sao thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định về Chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM và tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.
Hướng dẫn doanh nghiệp phòng ngừa và ứng phó với các vụ việc PVTM trong tình hình mới, bà Nguyễn Việt Hà – Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM Bộ Công Thương đã trình bày cơ sở pháp lý của các biện pháp PVTM. Theo bà Hà, pháp luật quốc tế về PVTM ở các nước là rất kịp thời và khá chặt chẽ như: Hoa Kỳ có Đạo luật thuế quan 1930 (Tariff Act 1930), Canada có Luật chống bán phá giá đầu tiên năm 1904, EU có Luật chống bán phá giá năm 1968, GATT 1947 đưa ra các quy định ban đầu điều chỉnh hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của các nước thành viên, WTO ra đời năm 1995, dẫn tới sự hình thành của 03 Hiệp định: Chống bán phá giá, Trợ cấp và các biện pháp đối kháng, và Tự vệ.
Bà Hà cho biết, các văn bản pháp luật về PVTM của Việt Nam dược ban hành khá sớm từ năm 2002 dưới dạng pháp lệnh để phục vụ việc đàm phán gia nhập WTO. Sau năm 2017, hệ thống văn bản QPPL về PVTM từng bước được hoàn chỉnh. Trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã ban hành 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp PVTM trong các Hiệp định: CPTPP (Thông tư 19/2019/TT-BCT); EVFTA (Thông tư 30/2020/TT-BCT); UKVFTA (Thông tư 14/2021/TT-BCT); RCEP (Thông tư 07/2022/TT-BCT): Quy định về tự vệ song phương/nội khối để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo các FTA song phương/khu vực không gây ra cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong giai đoạn chuyển tiếp.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận và đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Các doanh nghiệp được các chuyên gia hướng dẫn cách ứng phó với các vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp như: Nội dung điều tra, quy trình điều tra và xử lý của doanh nghiệp, những lưu ý khi trả lời bản câu hỏi, phiếu điều trần trong vụ việc và bản dữ liệu trọng yếu trong vụ việc./.
Phan Duy Hùng VCCI Nghệ An.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...