Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang rất khó khăn để vay được vốn rẻ, vì vậy việc tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn là một quyết sách đúng đắn.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống Nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhắm vào một vấn đề thực tế đang đặt ra là tình trạng kinh doanh gặp khó khăn, trì trệ. Định hướng của Chính phủ, nới lỏng chính sách tiền tệ cũng chính là nhằm khắc phục khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ.
Doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn để vay được vốn rẻ
Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn trong bối cảnh để hướng tới nhiều mục tiêu phát triển là việc rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu.
So sánh như các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn. Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết: Nếu nhìn trong cả năm 2022 vừa rồi, riêng dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là dòng vốn từ trái phiếu là khó.
Sau một thời gian bùng nổ, một phần nào đấy cũng do kiểm soát chưa tốt nên Việt Nam điều chỉnh lại, dẫn đến tình trạng đóng băng và hầu như huy động vốn dài hạn từ trái phiếu rất khó. Trong khi ấy, thêm những khó khăn dồn dập khác từ thị trường thế giới tác động đến: Đơn hàng giảm, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng thì lãi suất rất cao... Trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất có giai đoạn mười mấy %, mà đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
“Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho biết thêm: Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục thúc ép, liên tục đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống. Cái này hoàn toàn đúng với nhu cầu doanh nghiệp, bởi vì có vốn thì những doanh nghiệp xuất khẩu mới thuận lợi.
Hiện nay, đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều ngành hàng, việc có vốn để quay nhanh dòng hàng, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, rồi mở mang mặt bằng, mở mang hoạt động kinh doanh cũng cần vốn. Cho nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn là một quyết sách đúng đắn. Từ những chia sẻ, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết: Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Cho nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lí để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.Bởi vì những con số kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh về kinh doanh, về doanh nghiệp rất đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - một mục tiêu quan trọng, chắc chắn ảnh hưởng đến lao động, việc làm, chắc chắn ảnh hưởng đến thu ngân sách, và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đang có chiều hướng cho thấy những yếu tố này có xu hướng giảm. Con số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm rất cao cũng là một tín hiệu cho thấy điều ấy.“Cho nên chính sách này, dưới góc độ chúng tôi nhìn nhận, là rất quan trọng, cốt lõi và rất cần thiết trong giai đoạn này”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...