Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

2023-07-25 15:45:03

Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết, hệ lụy của dịch Covid - 19 vẫn còn hiện hữu… tiếp tục tác động tới doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn FDI.

Thị trường thu hẹp, doanh nhiệp rút khỏi thị trường

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi với tăng trưởng GDP tăng 3,72%, lạm phát từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế vẫn trong quá trình chuyển đổi và hội nhập; nội tại nền kinh tế còn nhiều vấn đề yếu kém, bất cập nên vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất còn ở mức cao…, tác động đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, nhất là người nghèo có thu nhập thấp.

Doanh nghiệp may mặc gặp nhiều khó khăn

Mặc dù có sự suy giảm ở nhiều thị trường, khu vực chủ chốt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng mức độ tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau. Trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản…, với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU có mức sụt giảm nhiều nhất. Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Đáng kể, vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu... cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Kim ngạch XNK đều giảm so với cùng kỳ năm trước

Theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 của Nghệ An giảm 2,11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có nhiều thị trường truyền thống có kim ngạch giảm mạnh như: Bangladesh (giảm 45,8%), Đài Loan (giảm 38,6%), Philippines (21,44%), Trung Quốc (11,14%)… Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực, truyền thống của Nghệ An tạo nhiều việc làm cho người lao động như: hàng dệt may, linh kiện điện tử, dăm gỗ, đá vôi trắng siêu mịn, chè… cũng đang gặp muôn vàn khó khăn với kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Trong đó, có khá nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An, có đơn hàng chủ yếu xuất sang Mỹ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: Công ty CP May Minh Anh - Đô Lương, Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên, Công ty CP Tập đoàn An Hưng…

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm phản ánh rõ những tác động tiêu cực trên. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 88.000 doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Doanh nhiệp cần phải làm gì?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước “rối như canh hẹ”, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đầu ra ở các thị trường xuất khẩu mới, cũng như từ thị trường trong nước. Sự chuyển hướng ấy sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu đặt trong khung chính sách tổng thể về lưu tâm, cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nêu rõ nguyên nhân của tình trạng sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng may mặc, ông Nguyễn Đình Sinh - Tổng Giám đốc Công ty CP May Minh Anh Nghệ An cho biết, doanh nghiệp của ông chủ yếu xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ, gần đây có cả Đức nhưng số lượng ít, không đáng kể; bên cạnh việc thiếu đơn hàng thì doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu. Có mặt hàng đơn giá giảm từ 10 – 20%, nhưng có mặt hàng giảm tới hơn 40%, doanh nghiệp hoàn toàn không có lãi, thậm chí lỗ nặng. “Mặc dù hết sức khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh và cho đến nay chúng tôi chưa để ai phải nghỉ việc. Tạo công ăn việc làm nhằm giữ chân người lao động, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài nhằm duy trì để từng bước vực dậy, vượt qua khó khăn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp”, ông Sinh chia sẻ. Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu của các đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng sản xuất kinh doanh, kinh tế số, cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. “Điều đó đặt ra yêu cầu lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới; nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh, mất cơ hội tiến sâu vào giá trị toàn cầu”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Giải pháp nào cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm?

Trong bối cảnh như vậy, ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã quyết liệt tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế. Nhiều chính sách thiết thực, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023, tạo đà cho cả những năm tiếp theo, chính quyền tỉnh nhà và Sở Công Thương cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tìm kiếm và tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp; Sở Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những Cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI mà Nghệ An tiếp tục nằm trong Top 10 cả nước về thu hút FDI những tháng đầu năm 2023./.

Nguồn: Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI tại Nghệ An)