Trong khi nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, theo chuyên gia, tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT sẽ là động lực quan trọng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 - Ảnh minh họa
Trước đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT tới giữa năm 2024 là cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế, từ đầu năm 2023 tới nay, khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam chính là thị trường khi cầu trên thế giới giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không tìm được thị trường đủ sức thay thế. Không có đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ nên nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng, cắt giảm công nhân và cũng không mặn mà trong việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, khi giảm thuế VAT, đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, giá thành sản xuất cũng giảm, kích thích người tiêu dùng mua sắm.
Thống kê cho thấy, năm 2022, việc giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống còn 8%) đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khoảng 44.500 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước. Thu thuế VAT nội địa không giảm mà còn tăng 10% so với cùng kỳ. Việc giảm thuế VAT không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân mà ngân sách Nhà nước cũng được hưởng lợi.
Theo chuyên gia, việc tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT sẽ là động lực quan trọng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh - Ảnh minh họa
Trước các hiệu ứng đã nêu, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội đã quyết định tiếp tục thực hiện chính sách này, với mức giảm thuế là 2% với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết năm 2023, trừ một số lĩnh vực như dịch vụ viễn thông, bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng lên đáng kể khi các mặt hàng được giảm 2% VAT nằm trong giỏ hàng tiêu dùng thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dung, điều này tương đương cứ 10 người tiêu dùng thì sẽ có 7 người được hưởng lợi.
Có thể thấy, giảm thuế VAT 2% là một trong những quyết sách đúng đắn, thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn nhu cầu thị trường đang suy giảm hiện nay và nhiều nước cũng đã và đang thực hiện giảm thuế để kích cầu thị trường. Thế nhưng, thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT chỉ có 6 tháng là hơi ngắn, trong khi theo nhiều dự báo thì tình hình kinh tế thế giới năm 2024 nhìn chung còn khó khăn, nhu cầu thị trường vẫn còn thấp.
Hơn nữa, để cảm nhận được hiệu quả của một chính sách bao giờ cũng có độ trễ vài tháng, khi người dân và doanh nghiệp bắt đầu cảm nhận được lợi ích của chính sách giảm thuế VAT thì thời gian thực hiện cũng sắp hết. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT tới giữa năm 2024 được cho là cần thiết, thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, nếu tổng kết cho thấy việc giảm thuế VAT thực sự mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế thì cơ quan quản lý nên nghiên cứu để thuế VAT ở mức thấp hơn, coi đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu.
Thông tin với báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sách tài khóa cần được thúc đẩy hơn. Hiện nay, việc giảm thuế, miễn, hoãn thuế và các chính sách khác đang được Chính phủ tiến hành, nhưng cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
“Tôi nhiều lần đề nghị thuế VAT cần được giảm mạnh hơn nữa, từ 10% xuống 5% thay vì xuống 8% như hiện tại. Ngoài ra, thời hạn giảm thuế cũng cần kéo dài hơn, việc giảm thuế sẽ hỗ trợ cho tổng cầu, khiến người dân chi tiêu nhiều hơn. Khi người dân chi tiêu nhiều hơn thì thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, từ đó nền kinh tế cũng được thúc đẩy phục hồi mạnh hơn”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc Chính phủ giảm thuế và chấp nhận hy sinh một phần kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (theo tính toán, dự kiến ban đầu việc giảm 2% VAT sẽ khiến số thu ngân sách năm 2023 bị giảm 24.000 tỷ đồng) đã thể hiện sự đồng hành chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc giảm thuế VAT 2% là một động lực quan trọng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có thể thấy thực tế sau 2 tháng đã có nhiều dấu hiệu phục hồi từ cầu tiêu dùng, sức sản xuất và chỉ số quản trị mua hàng nhúc nhích tăng”, TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...