Yêu cầu cấp thiết hoàn thiện thế chế pháp luật về giá

2022-11-02 07:46:00

Sau 9 năm thực hiện Luật Giá đã bộc lộ nhiều hạn chế nhất là thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

>> Giữ đất là việc “của cả làng” chứ không riêng mình ai

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QH

Ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh Giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế.

Qua đó, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.

Đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế. Sau 9 năm thực hiện, Luật Giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đối) và bổ sung Dự án Luật vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Khắc phục những tồn tại hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá; đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng.

>> Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ

>> “Hồi chuông” lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo khi có các quy định khác nhau giữa các Luật khác ban hành trước và sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá.

Đối với các quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng, dự thảo Luật cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp.

Đồng thời, cụ thể hóa quy định tại Điều 8 luật hiện hành (Thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá), dự thảo Luật đã bổ sung chương III quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá.

Về phạm vi sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...).

Dự thảo Luật cần đảm bảo tính thống nhất, cụ thể và bao quát

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: QH

Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh… Vì vậy, cần dẫn chiếu cụ thể để tạo sự minh bạch, dễ tiếp cận.

Bên cạnh đó, về tính thống nhất của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xác định rõ nguyên tắc: các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.

Thưởng trực Ủy ban cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, trong số 72 điều, có đến 13 điều giao Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật. Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính bao quát; một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ.

Như tiêu chí cụ thể về hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; Các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… chưa được quy định; Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: QH

Chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng; Công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá chưa đầy đủ. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng: thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội so với Luật hiện hành; bỏ quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chuyển quyền quyết định điều chỉnh Danh mục hàng hóa bình ổn giá, Danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá cho Chính phủ; hiện hành đang giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh trong trường hợp cần thiết).

Bổ sung quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong định giá. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ, tính thuyết phục của việc sửa đổi nhằm đảm bảo hợp lý, minh bạch, ổn định và thống nhất trong quản lý giá.

Đối với nội dung về các hành vi bị cấm, dự thảo Luật quy định cấm: “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.” Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trên thực tế, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh đã kết thúc thì vẫn có thể xảy ra tình trạng khan hiếm một số hàng hóa nhất định trong một thời gian dài.

Vì vậy, để bảo đảm bao quát, chặt chẽ, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung quy định: Cấm lợi dụng nhu cầu tăng đột biến và tình trạng khan hiếm tạm thời về nguồn hàng để tăng giá trục lợi; đồng thời rà soát các biện pháp chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh đối với xử lý hành vi nâng giá cơ hội.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.