Xanh hoá từ... xử lý rác thải

2022-05-10 07:47:43

Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 đặt ra gồm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%.

>>> Bà Rịa - Vũng Tàu: Rác thải bủa vây khu bảo tồn và người dân

>>> Hải Phòng: Tìm lời giải cho bài toán rác thải

Theo các chuyên gia, nền kinh tế tuần hoàn là bước quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh. Trong đó, tái chế rác thải và vận dụng công nghệ bài bản để xử lý rác thải là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và giảm ô nhiễm.

Công nhân xử lý rác thải sinh hoạt

Xử lý rác thải là vấn đề khó

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%,…

Đến năm 2050, Chiến lược đặt ra mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%. Trong đó, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Ngoài ra, Chiến lược đặt mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất thải và chất lượng không khí thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí đối với các ngành, lĩnh vực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn ở nước ta chưa tốt, mới mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng. Một số dự án thí điểm triển khai nhưng không thành công do hạ tầng, điều kiện kỹ thuật chưa có. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể phân loại rác thải theo 3 loại: rác thải có thể tái chế được, rác thải thực phẩm và rác thải để xử lý. Tuy nhiên, chứa chất thải bằng gì, phương tiện vận chuyển gì, công nghệ gì thì cần giải pháp căn cơ và đồng bộ mới triển khai thực hiện được.

>>> VCCI thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Na Uy trong xử lý rác thải

>>> Nghệ An: Nhiều dự án xử lý rác thải đầu tư theo kiểu "chắp vá"?

Theo ông Hiền, hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi chúng ta không thu gom được khí mê-tan. Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta cũng có một số công nghệ khác như công nghệ đốt, công nghệ ủ,… nhưng thực tế vẫn là công nghệ đốt là chính. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi từ nguồn rác phân loại, trên cơ sở đó sẽ có lựa chọn công nghệ phù hợp hơn”, ông Hiền thông tin.

Điểm nghẽn công nghệ

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, cho rằng người dân tại các khu vực khác nhau thì lượng rác thải sinh hoạt khác nhau. Trong đó, người dân tại các thành phố sẽ thải ra lượng rác thải sinh hoạt nhiều hơn. Ví như, trung bình mỗi ngày người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra 1kg rác thải sinh hoạt hoặc thậm chí hơn. Tuy nhiên, người dân các vùng nông thôn thì chỉ 0,4-0,5 kg/người/ngày, thậm chí có địa phương chỉ 0,2 kg/người/ngày.

Theo ông Huân, trong việc xử lý rác thải, cần căn cứ vào lượng rác mà lựa chọn công nghệ phù hợp chứ không nhất thiết phải dùng những công nghệ đắt tiền hoặc lúc nào cũng phải đốt rác. “Đặc thù rác thải sinh hoạt ở nước ta là không phân loại, độ ẩm rác rất cao, thường ở mức 65-70%. Đây là nguyên nhân gây ra nhiệt trị rất thấp khi đốt rác. Vì vậy, phải tìm những công nghệ phù hợp để xử lý, không phải chỉ vì nhiệt trị thấp mà không đốt rác phát điện. Chúng ta phải tìm được công nghệ xử lý rác mà không cần phân loại tại nguồn, nhưng khi thu gom lại trộn lẫn với nhau nên không có hiệu quả”, ông Huân nói.

Để giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, UBND thành phố định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện. Ngoài ra, theo ông Trần Hợp Dũng, Phó trưởng ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát điện cũng đã gây ra nhiều bất cập cho công tác xây dựng các nhà máy điện rác. Trước tình hình đó, Hà Nội cũng đã rất quyết liệt hỗ trợ các nhà đầu tư, trong thúc đẩy xây dựng các nhà máy xử lý rác ở những điểm khác”.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: “có ý kiến cho rằng công nghệ tối ưu xử lý rác thải là công nghệ Plasma. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn nước ta, ứng dụng công nghệ này chưa phù hợp, chi phí đầu tư công nghệ này rất cao, vận hành cũng cao, đòi hỏi lượng rác phải phù hợp. "Hiện nay, công nghệ là điểm nghẽn trong xử lý rác ở các địa phương. Do đó, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương mình để lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cho phù hợp", ông Lâm nói.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.