Việt Nam trong top đầu thế giới về phục hồi sau Covid-19

2022-10-29 08:56:00

Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, và chúng ta cũng vậy.

>> Ổn định thị trường xăng dầu cần nhiều “bàn tay” phối hợp

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có cơ sở để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại hai năm vừa qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: QH

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; Phương án phân bổ ngân sách Trung ương và Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, ngày 28/10.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, báo cáo của Chính phủ, các phát biểu của đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã nêu rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện dịch bệnh.

Hơn một năm trước, khi tình hình rất căng thẳng, chúng ta đã mạnh dạn chuyển hướng chiến lược, thích ứng linh hoạt, nhờ tiếp cận được vaccine để khẩn trương ổn định phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô, duy trì ổn định an sinh xã hội, có bước tiến bộ tương đối toàn diện.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch, và chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có cơ sở để mạnh mẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn, bù lại hai năm vừa qua.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã tiêm 260 triệu liều vaccine, nằm ở top đầu thế giới về mức độ bao phủ vaccine tăng cường. Tuy nhiên, đại dịch không chỉ cướp đi sinh mạng, mà còn gây khó khăn, bất cập cho hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hệ thống kinh tế, làm nhận diện rõ hơn những điểm yếu của các ngành này.

Các nước trên thế giới, kể cả những nước có trình độ phát triển cao, cũng gặp nhiều khó khăn khi đối diện với những vấn đề này. Ở Việt Nam, dù gặp khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đang đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống người dân không chỉ ở thành thị, mà ở cả nông thôn, miền núi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã thấu hiểu những khó khăn, thách thức, chia sẻ những khó khăn vất vả, chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho ngành y tế, giáo dục. Sự chia sẻ của các đại biểu là nguồn động viên to lớn cho các lực lượng lao động trong ngành y tế, giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới những người thầy thuốc, thầy giáo, những người cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, y tế, đã vượt qua nhiều khó khăn để nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân.

> > Cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

>> Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: QH

Theo Phó Thủ tướng, dù Việt Nam được xếp hạng nước thu nhập trung bình thấp, nhưng do tính ưu việt của chế độ, do truyền thống của dân tộc Việt Nam, sự nỗ lực của cả hệ thống, của ngành y tế và giáo dục, nên hai ngành này đều được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn rất lớn.

Ngành y tế, giáo dục phải cân đối, đảm bảo giữa kỳ vọng của người dân và khả năng của nền kinh tế; đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế; quản trị các cơ sở giáo dục, y tế, thúc đẩy ở cả khu vực công và tư.

Về tự chủ y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta đã có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, sau 30 năm đã giảm từ 10.000 doanh nghiệp Nhà nước xuống còn dưới 1.000, và có đến hơn 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp về cơ bản không giảm về biên chế. Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đặt ra là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp này, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện.

Hiện nay, chúng ta đang có cách làm khác so với thế giới, và thực tế đã chỉ ra rằng, cách làm của thế giới là đáng học tập: quản trị bệnh viện và trường học là xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo từ cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, về thu chi. Vì chúng ta thiếu kinh phí, nên đã lấy tài chính làm yếu tố đầu tiên, nếu lo hết được chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ.

Phó Thủ tướng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu đầy đủ, rà soát lại hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn, giải quyết dứt điểm các vấn đề trong dài hạn, tạo tiền đề phát triển lâu dài.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.