Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ… còn chưa phù hợp

2022-11-29 14:46:00

Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, VCCI cho rằng, quy định về trình tự, thủ tục còn chưa phù hợp…

>> Chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc còn yếu

Trả lời Công văn số 2982/BKHCN-ĐTG của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trình tự, thủ tục được quy định trong Dự thảo còn chưa phù hợp, thiếu thuyết phục.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ… còn chưa phù hợp - Ảnh minh họa: BĐT

Cụ thể, Dự thảo thiết kế quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo hướng cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành đánh giá thực tế hoạt động chuyển giao công nghệ sau đó mới cấp Giấy chứng nhận.

Theo VCCI, điều này có sự khác biệt so với quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (thẩm định dựa trên thông tin tài liệu do tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp, mà không cần phải kiểm tra đánh giá thực tế).

Bên cạnh đó, giải trình tại Tờ trình, cơ quan soạn thảo cho rằng, lý do phải kiểm tra thực tế vì “việc cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao mà một trong những điều kiện để doanh nghiệp, dự án đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư, yêu cầu các nội dung chuyển giao công nghệ (được ghi trong thỏa thuận chuyển giao) phải được triển khai và có sản phẩm của công nghệ chuyển giao đó”.

>> Giải pháp thúc đẩy số hóa ngành dược

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét các quy định chưa phù hợp - Ảnh minh họa: SHTT

Về vấn đề đã nêu, VCCI cho rằng, quy định tại pháp luật về chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cũng là một trong những căn cứ để doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước (ví dụ: Có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ là một trong những điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 76/2018/NĐ-CP); Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ bị hủy bỏ hiệu lực thì tổ chức, cá nhân “được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi từ việc chuyển giao công nghệ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước toàn bộ các khoản hỗ trợ, ưu đãi đã hưởng” (khoản 1 Điều 7 Nghị định76/2018/NĐ-CP). Trong khi đó trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận này chỉ là kiểm tra hồ sơ mà không kiểm tra thực tế.

“Như vậy, có thể thấy, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ và Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, trong một số trường hợp, có tính chất tương tự nhau – là căn cứ để hưởng ưu đãi, hỗ trợ. Do đó, lập luận của Ban soạn thảo về việc thiết kế quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo hướng kiểm tra thực tế việc chuyển giao công nghệ là chưa thuyết phục và phù hợp”, VCCI đánh giá.

Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại quy định về quy trình cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo hướng thẩm định hồ sơ mà không cần phải đi kiểm tra thực tế.

Ngoài những nội dung đã nêu, về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận (Điều 4), VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số quy định về: hồ sơ; chuyên gia của Tổ thẩm định; họp thẩm định hồ sơ; thời hạn cấp Giấy chứng nhận; cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp mất, hư hỏng.

Trong đó: Về hồ sơ - VCCI đề nghị cân nhắc bỏ quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 4 Dự thảo; Về chuyên gia của Tổ thẩm định - đề nghị quy định rõ để thuận lợi trong quá trình thực hiện; Về họp thẩm định hồ sơ - đề nghị điều chỉnh lại quy định về thời hạn tổ chức phiên họp của Tổ chuyên gia thẩm định theo hướng rõ ràng hơn; Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận - đề nghị bổ sung quy định để làm rõ về thời hạn cấp Giấy chứng nhận được tính từ thời điểm kết thúc cuộc họp thẩm định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp thẩm định …”; và Về cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp mất, hư hỏng - đề nghị bổ sung quy định thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp bị mất, hư hỏng, để tránh khoảng trống pháp lý trong thực tiễn triển khai.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.