Tiếp sức nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

2022-08-19 10:30:27

Đề xuất cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp, đổi mới sáng tạo...

>>> Nền tảng số là giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững nông thủy sản

Theo bà Nguyễn Thị Vinh Hạnh, chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Văn, Tân Ước thừa nhận, doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn để triển khai dự án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vay vốn, do chính sách thay đổi liên tục, như chuyển tiền thuê đất từ 1 lần sang hàng năm.

DNNVV cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

“Như vậy, nguy cơ có thể bị phá sản khi chúng tôi đã bỏ vào 1.500 tỷ đồng để triển khai hạ tầng khu công nghiệp. Nhưng đến giờ phút này thu hút đầu tư trên địa bàn rất khó vì họ biết chính sách thay đổi, họ sẽ không vay được vốn ngân hàng nên họ không vào đầu tư”, bà Hạnh e ngại.

Cùng quan điểm trong khó khăn tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh,cho biết, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp còn hạn chế.

Đơn cử như đối với một doanh nghiệp sản xuất giấy, tổng nguồn vốn đã đầu tư xây dựng nhà máy, đến giai đoạn sản xuất thì hết vốn, trước đó tài sản cố định công ty đã thế chấp với ngân hàng do vậy không còn tài sản bảo đảm để tiếp tục vay nguồn vốn mới, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhà máy. Nếu không có các động thái khơi thông nguồn vốn thì sẽ rất khó khăn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì và mở rộng sản xuất.

>>> World Bank: Cần cải thiện thiếu hụt tài chính của DNNVV Việt Nam

>>> Tạo “làn sóng” thanh toán không tiền mặt cho DNNVV

Để phát triển bền vững các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh, trước hết phải giải quyết được vấn đề vốn sản xuất.

Yêu cầu thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp cần gắn kết hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến quan hệ tín dụng nhằm đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", doanh nghiệp đề xuất.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, minh bạch hóa thông tin tín dụng, hướng dẫn khách hàng nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay như: hồ sơ, thủ tục, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất về vốn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phát triển.

Đề xuất kiến nghị giải pháp cho vấn đề này cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiêp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, thứ nhất, thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…

Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời, cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Thứ ba, nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và 5,2 triệu hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng từ giao dịch mua, bán hàng hóa trực tiếp sang online, giúp họ tồn tại và phát triển.

Đây được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội.

Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với gói thầu xây dựng dưới 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 3 tỷ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đối với những gói thầu đòi hỏi năng lực khoa học, công nghệ quá cao hoặc giá gói thầu xây dựng trên 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ trên 3 tỷ đồng, thì ưu tiên các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ năm, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định. Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ từ các viện, trường vào thực tế.

Thứ sáu, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi”.

TS Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc NCIF thì cho rằng, mặc dù đã được khẳng định là khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng.

“Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài”, TS Lương Văn Khôi nói.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.