Thúc đẩy quản trị và kinh doanh bền vững

2022-08-01 08:18:37

Nâng cao nhận thức và thúc đẩy doanh nghiệp quản trị và kinh doanh bền vững chính là mục tiêu cuối cùng của Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI).

>> Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD).

Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Qua 06 năm triển khai, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp (khoảng 1500 doanh nghiệp) hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc nộp hồ sơ tham gia.

- Sau 2 tháng phát động, xin ông cho biết Chương trình CSI 2022 đã và đang được triển khai như thế nào? Những đánh giá bước đầu về các doanh nghiệp tham gia chương trình năm nay, thưa ông?

2022 là năm thứ 7 liên tiếp Chương trình CSI được VCCI chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sau Lễ phát động tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã tích cực triển khai hoạt động tập huấn doanh nghiệp và truyền thông về chương trình qua nhiều kênh. Đầu tháng 7, hai khóa tập huấn về quản trị doanh nghiệp bền vững và áp dụng Bộ chỉ số CSI dành riêng cho Hiệp hội, tập đoàn Cao su và cho các doanh nghiệp nói chung đã thu hút hơn 200 đại diện các doanh nghiệp khác nhau tham dự.
Theo thống kê của Ban tổ chức, mặc dù còn 1 tháng nữa mới đến hạn nộp cuối của doanh nghiệp, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại hệ thống đã ghi nhận sự tham gia của gần 200 hồ sơ, trong đó có nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ lần đầu tiên. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có quy mô khác nhau và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam, như dịch vụ tài chính, logistics, bất động sản, sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng…

- Xin ông cho biết các hoạt động hỗ trợ của VCBSD đối với doanh nghiệp tham gia trước, trong và sau Chương trình CSI 2022?

Trong suốt quá trình tiếp nhận hồ sơ, Ban tổ chức luôn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp cả về chuyên môn và quy trình thủ tục để tham gia. Tại các khóa tập huấn, chúng tôi giải đáp tối đa các thắc mắc của doanh nghiệp về lợi ích khi tham gia chương trình, quy chế tham dự, những nội dung trong Bộ chỉ số, cách thức khai hồ sơ trực tuyến đúng và hiệu quả nhất.

Các doanh nghiệp tham gia tập huấn cũng được lắng nghe các chia sẻ từ đại diện các doanh nghiệp thực hành tốt phát triển bền vững nói chung, cũng như được biểu dương doanh nghiệp bền vững trong nhiều năm nói riêng. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ học hỏi, trao đổi thông tin và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hữu ích. Sắp tới, vào đầu tháng 8, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức khóa tập huấn với hình thức kết hợp – trực tiếp và trực tuyến – để hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

Một điểm mới của Chương trình CSI 2022 đó là năm nay Ban tổ chức chỉ tiếp nhận hồ sơ qua hình thức trực tuyến. Do đó, chúng tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi và đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp có thể khai hồ sơ trên hệ thống kịp thời và chính xác.

Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2022 tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, không phân biệt quy mô. Chương trình không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Hạn cuối nhận hồ sơ doanh nghiệp là ngày 31/8/2022. Doanh nghiệp quan tâm có thể tham khảo thông tin Chương trình CSI 2022 tại website https://vbcsd.vn/csi/

Theo thông lệ của các mùa CSI trước, sau Lễ công bố, Ban tổ chức sẽ gửi đến doanh nghiệp bản đánh giá hồ sơ, ghi nhận những điểm tốt, điểm cần cải thiện trong bộ hồ sơ của doanh nghiệp. Bản đánh giá này không chỉ giúp doanh nghiệp "nâng cấp" hồ sơ trong những năm tiếp theo, mà còn cung cấp thêm góc nhìn mới khách quan về hoạt động quản trị, vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể phát huy thêm điểm mạnh và kịp thời khắc phục những "lỗ hổng" của chính mình.

- Qua 06 năm triển khai, Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam đã tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp thưa ông?

Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở một chương trình đánh giá và trao giải cho doanh nghiệp. Hơn hết, Chương trình CSI hướng đến thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp "nghĩ khác, làm khác". Doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm.

Để tồn tại và trụ vững trên một sân chơi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp bài bản, khoa học, minh bạch thông tin để có thể giữ chân và thu hút nhà đầu tư tốt hơn. Nâng cao nhận thức và thúc đẩy doanh nghiệp quản trị và kinh doanh bền vững mới chính là mục tiêu cuối cùng của Chương trình CSI.

Qua 6 mùa CSI, chúng tôi nhận thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình ngày càng đông đảo hơn. Gần đây nhất, năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đạt danh hiệu top 10 PTBV lần lượt là 55% và 45%; trong top 100 thì tỷ lệ lần lượt là 63% và 27%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.

Không những thế, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều chia sẻ từ doanh nghiệp rằng trong hơn hai năm vừa rồi, qua 4 đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững nói chung và áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung.

Các doanh nghiệp này có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp làm phát triển bền vững. Phát triển bền vững chắc chắn không phải là con đường dễ đi, nhưng sẽ mang lại nhiều "trái ngọt" xứng đáng với nỗ lực của doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.