Thể chế hoá các trụ cột chuyển đổi số ngành ngân hàng

2022-10-05 09:38:00

Ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quản lý, kinh doanh.

>> Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ví điện tử

Củng cố 3 trụ cột

Theo ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian qua, 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành ngân hàng đã được NHNN quan tâm thể chế hóa.

Ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh minh hoạ)

Đầu tiên là chính sách về trung gian thanh toán hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt đã được đưa vào tầm nhìn trong bối cảnh thị trường ví điện tử chứng kiến sự bùng nổ tại Việt Nam.

Một khảo sát gần đây của Visa cho thấy, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.

Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, công ty PWC cho rằng, thị trường Việt Nam được ví như “chiếc áo đã chật” trong vài năm qua. Ba ví điện tử dẫn đầu gồm Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, không còn quá nhiều đất cho các nhà cung cấp khác. Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử. Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường.

Về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này được NHNN tiếp tục rà soát, bổ sung, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về TTKDTM; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan...

Thứ hai, về phần tín dụng, ông Hoè cho biết, mặc dù NHNN đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 nhưng trước đó đã có câu chuyện thấu chi. Chính vì thế, thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho câu chuyện công nghệ số áp dụng nhanh hơn.

Vừa qua, một số ngân hàng đã chính thức triển khai phát hành thẻ tín dụng nội địa trên phạm vi cả nước, đặc biệt hướng vào nhóm khách hàng yếu thế, công nhân ở các khu công nghiệp. Hành động này được xem như bước đi chủ lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ ba, lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quản lý, kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát của NHNN, đa số các ngân hàng thương mại (chiếm 88%) lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ. Cùng với đó, nhiều ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu, chuẩn hoá hạ tầng số tập trung, cho phép chia sẻ, tích hợp, tạo hệ sinh thái số với nhiều ngành, lĩnh vực như: hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế... trên cơ sở ứng dụng Mobile Banking khách hàng có thể sử dụng được nhiều tiện ích so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Thời gian qua, số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số trong hệ thống NHTM Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc.

Xu hướng dịch chuyển sang sử dụng các kênh số trong dịch vụ ngân hàng của khách hàng ngày một tăng lên, đa số các ngân hàng đều tin tưởng, trong thời gian tới, tỷ lệ khách hàng sử dụng kênh số sẽ tăng nhanh. Gần 58% các ngân hàng kỳ vọng, trong 3 đến 5 năm tới, khách hàng sử dụng kênh số đạt trên 60%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng hợp tác với các công ty Fintech và kết nối với các hệ sinh thái số của các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau để giúp khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ một cách đầy đủ và thuận tiện nhất, qua đó tạo sự gắn kết bền vững. Các ứng dụng ngân hàng số đang được khách hàng sử dụng thường xuyên trong các giao dịch như: VCB Digibank của Vietcombank, iPay của VietinBank, Smart Banking của BIDV, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB, LiveBank của TPBank, LienViet24h của LienVietPostBank….

>> Rào cản nào trong chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam?

Thách thức chuyển đổi số

Tuy nhiên, quá trình chuyển đối số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài, từ những quy định về mặt pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao đến hạn chế về nền tảng công nghệ.

Quá trình chuyển đối số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài. Ảnh: Quốc Tuấn

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, thách thức lớn nhất là câu chuyện về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như luật giao dịch điện tử chưa kịp sửa, hay luật kế toán cũng đã có những câu chuyện “mắc” cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy…

Cùng với đó là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn, không phải một sớm một chiều mà có ngay được. Trong khi vấn đề về nhân sự cũng còn những rào cản nhất định, bởi trong môi trường số mà những người không hiểu về số, không hiểu về CNTT, về bảo mật an toàn thì chắc chắn là sẽ dẫn đến sai phạm.

“Ngoài ra, hiện tượng “hacker” tấn công trên không gian mạng cũng rất đáng lo ngại tiềm ẩn rủi ro mất tiền cho người dùng. Ngoài ra, mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, hay sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế, nhiều người vẫn chủ quan, cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền”, vị chuyên gia phân tích.

Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngân hàng là xu hướng tất yếu xảy ra, nhưng để hạn chế các tác động tiêu cực, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng xây dựng chính sách phù hợp với mô hình hoạt động cùng chủ thể mới tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng…

Ông Nguyễn Doanh Hùng, chuyên gia tại MISA AMIS khuyến nghị, mặc dù hành lang pháp lý hiện hành đã tương đối đầy đủ nhưng những lỗ hổng pháp lý vẫn cần xem xét, chỉnh sửa, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ gian lận. Một số hành động nên ưu tiên triển khai sớm là: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để mở ra kênh chia sẻ, kết nối giữa các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; Quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, bảo mật giao dịch, an ninh thông tin; và Xây dựng một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho chuyển đổi số trong ngân hàng.

Kinh nghiệm quốc tế

Tại khu vực Châu Âu, ngành ngân hàng tại Mỹ luôn thuộc Top sôi động nhất thế giới với sự bùng nổ mạnh mẽ của ngân hàng số. Điển hình như các ngân hàng hàng đầu ở Mỹ là US Bank, Bank of America đã bắt đầu chuyển đổi số từ sự ra đời của Mobile Banking vào một thập kỷ trước.

Cho đến nay, họ không chỉ tiếp tục ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo để nhận dạng, tư vấn hướng dẫn tự động cho khách hàng mà còn lắp đặt máy tính tại các chi nhánh cho phép khách hàng tự thực hiện giao dịch không cần giao dịch viên. Ngoài ra, thông qua tính năng cá nhân hóa, US Bank còn cung cấp bản tóm tắt lịch sử chi tiêu để khách hàng dễ dàng lập kế hoạch tiết kiệm hợp lý hơn.

NAB, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất tại Australia cũng đang không ngừng tăng tốc mở rộng dịch vụ kỹ thuật số cho khách hàng. NAB đã nâng cao khả năng ứng dụng AI, chuyển đổi cách thức tương tác giữa ngân hàng với 94% khách hàng bằng kênh kỹ thuật số.

Ngân hàng NAB cũng chuyển hơn 400 dịch vụ của mình sang công nghệ điện toán đám mây. Cách làm này mang đến giá trị sử dụng thiết thực, quản trị rủi ro tốt hơn cho khách hàng trong lúc sử dụng dịch vụ.

Tại Singapore, DBS được xem là ngân hàng số đầu tiên trên thế giới khi ứng dụng nhiều thành tựu khoa học xuất sắc. Điểm nổi bật của DBS nằm ở công nghệ thông minh, khả năng bảo mật vững chắc.

Khác biệt so với những đối thủ khác, DBS không yêu cầu người dùng tải ứng dụng ngân hàng về điện thoại. Thay vào đó, chỉ cần sử dụng thông qua Wechat hoặc Whatsapp kết nối với ngân hàng. Người dùng đưa ra những câu lệnh đơn giản như kiểm tra tài khoản, thanh toán hóa đơn và DBS sẽ tự động thực hiện toàn bộ giao dịch mong muốn ngay lập tức.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp