Năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo ước tính, nếu áp dụng việc giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm 2023, dự kiến ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số .../2023/QH15 ngày ... tháng 6 năm 2023 và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
Giảm thuế GTGT nhằm phục hồi và phát triển kinh tế .
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, tạo sức ép lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực; việc tiếp tục giảm thuế GTGT bên cạnh các giải pháp khác đã và đang thực hiện năm 2023 là cần thiết, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay để hỗ trợ người dân, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, với cộng đồng doanh nghiệp thì đây là chính sách hỗ trợ tích cực, kịp thời, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT chỉ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,… sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Doanh nghiệp nói gì?
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, một số loại hàng hoá, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng. Trong khi một số loại hàng hoá, dịch vụ khác có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi. Một số loại hàng hoá, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lý giá, như Nhà nước định giá, đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá. Chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% vào ngày 01/07/2023 và tăng từ 8% lên 10% vào ngày 01/01/2024 sẽ tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lý giá như trên.
Trong phần đánh giá tình thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thuế này gặp một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hoá, dịch vụ giảm thuế GTGT; mô tả hàng hoá tại Phụ lục kèm Nghị định 15/2022/NĐ-CP dựa trên Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam hiện nay không tương ứng với mô tả hàng hoá tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dẫn đến khó khăn khi xác định mã HS ( Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) đối với hàng hoá nhập khẩu tại các Phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hoá… chưa được phân vào đâu”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng phản ánh với VCCI và các Hiệp hội rằng, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP là rất phức tạp và nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai. Có những trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hoá với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được. Bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hoá, dịch vụ để áp dụng. Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan Nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khách nhau.
Có thể thấy trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi rộng. Điều đó đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân; qua đó, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù kết quả thu NSNN của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm.
Cuối cùng thì ai là người hưởng lợi?
Thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là hai sắc thuế quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tiêu dùng của toàn xã hội và nguồn thu cho ngân sách. Chắc chắn người dân là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế GTGT này. Đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng nên khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn như hiện nay , chính sách giảm thuế GTGT lần này lại cần phải được cân nhắc một cách thận trọng vì sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho NSNN./.
PHAN DUY HÙNG ( Chi nhánh VCCI Nghệ An )
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...