Tấm gương văn hoá bắt đầu từ người đứng đầu

2022-08-19 08:26:06

Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp trước hết phải bắt đầu từ tấm gương văn hóa, đạo đức của người đứng đầu.

>> Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, TS. Lê Doãn Hợp chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp , văn hóa tổ trước trước hết và cần nhất là văn hóa người đứng đầu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, TS. Lê Doãn Hợp. Ảnh: Ngọc Trâm

“Doanh nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thương trường, nhưng cần nắm chắc cái gốc, đó là văn hóa”, TS. Lê Doãn Hợp cho biết và khẳng định, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tổ trước trước hết và cần nhất là văn hóa người đứng đầu. "Người đứng đầu chuẩn mực thì cấp dưới không thể sai lệch", TS. Lê Doãn Hợp khẳng định.

Người lãnh đạo cần nhất là có đức. Có đức được nguyên Bộ trưởng ví như “thửa ruộng” để gieo trồng hạt giống tài năng và bản lĩnh trên thương trường. Chữ đức biểu hiện ra bên ngoài ở sự gương mẫu, ở cách hành động chuẩn mực. Chữ đức quan trọng ở chỗ, một hành động thiếu chuẩn mực của người đứng đầu sẽ tác động tiêu cực đến cả tổ chức.

Tuy nhiên, có đức chưa đủ. Theo TS. Lê Doãn Hợp, có tài và bản lĩnh cũng là những yếu tố không thể thiếu ở các doanh nhân. Một lãnh đạo có tài thì cả tổ chức được hưởng. Người có tài là người biết tập hợp cái tài của người khác. Tập hợp và tạo niềm tin cho những người có tài, đó là tài năng của người lãnh đạo.

Nguyên Bộ trưởng chia sẻ quan sát của ông, những nguyên thủ giỏi nhất trong phát triển nhất nước đều xuất phát từ các tuyên bố trí tuệ và có tầm nhìn. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa đất nước Singapore có sự phát triển thần kỳ từ một tầm tư duy bất hủ: "Chúng tôi biết rằng, nếu chúng tôi chỉ giống như những người hàng xóm của mình thì chúng tôi sẽ chết. Bởi vì chúng tôi không có gì để đưa ra trước những gì họ phải đưa ra. Vì vậy, chúng tôi phải tạo ra thứ gì đó khác biệt và tốt hơn của họ. Đó là không tham nhũng. Đó là tính hiệu quả. Đó là chế độ nhân tài. Và nó thực sự phát huy tác dụng".

>> Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

>> Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

>> Văn hoá – “chân ga, chân phanh” giúp doanh nghiệp trường tồn

Theo đó, Singapore từ quốc gia có thu nhập người dân 420 USD/người vào năm 1960, đã tăng lên thu nhập bình quân/người khoảng 70.000 USD như hiện tại. Doanh nghiệp cũng như một nền kinh tế, sự phát triển cần xuất phát từ khát vọng, tầm nhìn, đạo đức, tài năng, bản lĩnh của người dẫn đầu.

Về bản lĩnh, TS. Lê Doãn Hợp cho rằng, người hiền lành, tốt bụng có thể làm cha, làm chú, làm anh, nhưng không thể làm giám đốc doanh nghiệp. Đã lãnh đạo doanh nghiệp là phải có bản lĩnh. Bản lĩnh để ủng hộ người tốt, ngăn chặn người xấu, thiết lập và giữ gìn kỷ cương của tổ chức. Bản lĩnh có thể được định danh bằng 3 tiêu chí, đó là dám nghĩ, dám làm và dám nói.

Doanh nhân cần nhìn ra được tương quan cung cầu trên mặt bằng quốc gia, thậm chí quốc tế. Dám làm những việc chưa làm để khám phá sức mạnh của chính mình và tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng 4.0. Doanh nhân cũng cần dám dũng cảm soi mình với thế giới, để biết mình là ai, mình ở đâu, mình đang làm gì? Nếu muốn vượt họ thì phải làm gì? Và cuối cùng là dám nói. Làm thế nào người ta tin mình và gắn kết lại để tạo nên nội lực.

“Nếu không dám nghĩ lớn, không dám mạnh dạn thì Việt Nam khó mà có nền công nghệ thông tin, viễn thông như hiện nay”, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp bày tỏ, đồng thời cũng lời khuyên với các doanh nhân, đó là chỉ có tự tin mới có tự hào và tự chủ. Còn tự ti là mất hết. Hãy tin vào chính mình và tìm con đường sáng để vươn lên.

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.