Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số của ngành ngân hàng đi vào thực chất một cách toàn diện, cần gỡ những “nút thắt” trong Luật Giao dịch điện tử hiện hành…
>> Cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm trong giao dịch điện tử
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, số tiền 15.000 tỷ đồng đầu tư ban đầu cho chuyển đổi số giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng ngân hàng số với tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng ngân hàng số với tỷ lệ tăng trưởng đạt 40% chỉ trong thời gian ngắn - Ảnh minh họa: Internet
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban chỉ đạo, đồng thời, phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu có 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số đến năm 2025.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2023.
Thông tin với báo chí, TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hoạt động của các ngân hàng, trung gian tài chính hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý do thiếu khuôn khổ pháp luật quy định về giao dịch điện tử trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử phát triển mạnh mẽ tại tất cả các lĩnh vực. Còn phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sinh trắc học, chuỗi khối (blockchain).
Theo ông Hùng, Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, trong khi chuyển đổi số mạnh nhất là trong giai đoạn COVID-19, tức là các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước, nhưng để các ngân hàng đi trước một bước, thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử.
>> Hoàn thiện hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử
Theo chuyên gia, thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ - Ảnh minh họa: Internet
Với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (sửa đổi), ông Hùng cho hay, các quy định mới đã cơ bản khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đặc biệt việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo ông Hùng, vẫn tồn tại một số nội dung chưa thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động hiện nay như quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử chưa tạo điều kiện cho các chủ thể tự lựa chọn loại chữ ký điện tử phù hợp với nhu cầu về tính khả dụng và độ an toàn; quy định về sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài còn chưa phù hợp thực tiễn; việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử trong các vụ việc tại tòa án; quy định chỉ được sử dụng chữ ký số đối với các giao dịch nhằm mục đích kinh doanh.
“Những yếu tố này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bằng phương thức điện tử của các tổ chức tín dụng. Thậm chí, Thông tư số 39/2016 của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng không thể sửa đổi được, nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung”, ông Hùng bày tỏ.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Phạm Xuân Hòe, thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng là hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. Điển hình là Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa đổi, còn Luật kế toán cũng tạo ra những vướng mắc cho các ngân hàng khi việc “xác định dấu chấm hay dấu phẩy trong quá trình số hóa của ngành cũng đã khó khăn”.
“Việc chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể dùng eKYC xác thực khách hàng cũng là vấn đề cần giải quyết”, ông Hòe bày tỏ.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, Báo cáo về tình hình triển khai Luật Giao dịch điện tử do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho thấy: Luật chưa quy định rõ về chữ ký điện tử nên khó xác định được như thế nào thì một dấu hiệu dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử đáp ứng là chữ ký điện tử đúng quy định và có giá trị pháp lý. Điều này dẫn tới vướng mắc cho tổ chức tín dụng (TCTD) khi giao dịch điện tử với khách hàng.
Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ, cụ thể đối với vấn đề định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); quy định nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử chưa rõ ràng, đang gây ra nhiều cách hiểu không thống nhất.
Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định hiện hành chỉ có quy định về nguyên tắc chung, song chưa có hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng kiểm tra giá trị pháp lý, tính hiệu lực của điện tử, bao gồm cả chữ ký số/chứng thư số của bên nước ngoài trên các hợp đồng/chứng từ do khách hàng xuất trình cho các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài.
Trước thực tế đã nêu, các chuyên ra cho rằng, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng chưa thể thực hiện một cách toàn diện do vướng một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005. Vì vậy, để chuyển đổi số của ngành ngân hàng đi vào thực chất một cách toàn diện, cần gỡ những “nút thắt” trong Luật Giao dịch điện tử hiện hành.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...