QUY ĐỊNH MỚI VỀ PCCC – DOANH NGHIỆP NÓI GÌ?

2023-02-10 16:22:25

Hiện tại, Nghệ An đang rà soát để bổ sung quỹ đất hạ tầng phát triển Cụm Công nghiệp (CCN) tập trung trên địa bàn. Tính đến năm 2022, Nghệ An có 53 CCN được quy hoạch, trong đó có 24 CCN thu hút được trên 250 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Riêng thành phố Vinh có 5 CCN: Hưng Đông 1 , Hưng Đông 2 , Đông Vĩnh, Hưng Lộc và Nghi Phú.

Ảnh minh họa

Vai trò và thực trạng các CCN

Việc quy hoạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; góp phần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các Tập đoàn, Dự án lớn cho các Khu Công nghiệp và Khu Kinh tế. CCN còn thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và thành phố Vinh nói riêng.

Tuy nhiên, cho đến nay cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, điện nước, hệ thống xử lý môi trường… của không ít các CCN vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và xuống cấp trầm trọng. Điều đó dẫn đến việc khó phát huy được hiệu quả sản xuất, kinh doanh như mong đợi. Nhiều doanh nghiệp tại các CCN ở thành phố Vinh cho biết, cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp có thể được khắc phục dần. Nhưng điều làm cho các doanh nghiệp lo lắng nhất vẫn là việc mỗi doanh nghiệp phải đầu tư và xây dựng một bể nước 500 m3, bơm phòng cháy chữa cháy (PCCC) lớn để chữa cháy tự động theo tinh thần của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC

Nghị định 136/ 2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy (thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ) có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2021. Nghị định được đánh giá là có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn. Theo quy định của Nghị định thì các cơ sở bắt buộc phải lắp đặt hệ thống PCCC đã được quy định cụ thể tại Phụ lục I, Phụ lục II, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định danh mục các cơ sở sau phải lắp hệ thống PCCC, đó là: Các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.

Các doanh nghiệp nói gì?

Trong những năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV tỉnh Nghệ An phải hứng chịu nhiều hệ luỵ, thậm chí trong cả những năm tiếp theo. Nhiều doanh nghiệp đầu tư tại các CCN ở thành phố Vinh vừa chớm hồi phục đã phải rất lo lắng với những quy định mới về PCCC theo tinh thần của Nghị định 136. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tại CCN phải đầu tư, xây mới một bể chứa nước 500m3 và hệ thống máy bơm chữa cháy tự động theo quy định. Với chi phí xây dựng từ khoảng từ 800 triệu cho đến gần 2 tỷ đồng thì đây là một việc làm gần như không tưởng với nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhà xưởng từ trước năm 2010 với hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn cũ, thì đây là một thách thức đầy khó khăn.

Ông Nguyễn Khắc Tuỵ - Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Vinh tại CCN Hưng Lộc cho biết, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây rất ý thức được công tác PCCC và đã đầu tư khá nhiều tiền mua sắm trang thiết bị PCCC theo quy định trước đây. Nhưng chiếu theo quy định mới, nhiều doanh nghiệp ở đây sẽ trở tay không kịp, thậm chí phải ngừng sản xuất. Các dự án đầu tư mới sẽ có các phương án PCCC theo quy định mới là hoàn toàn phù hợp và khả thi. Còn những doanh nghiệp đã tồn tại lâu năm, nhất là từ trước năm 2010 thì thực sự lại rất khó khăn. “Chưa nói đến chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, riêng diện tích nhà xưởng đã nhỏ do thiết kế theo quy hoạch cũ nếu áp dụng theo quy định PCCC mới là không thể vì có nhiều bất cập. Được biết, nếu không thực hiện, chúng tôi sẽ bị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An xử phạt và tạm đình chỉ sản xuất”, ông Tuỵ lo lắng nói.

Cùng quan điểm, ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong, một doanh nghiệp có thâm niên hoạt động khá lâu năm tại CCN Nghi Phú cho rằng, theo thiết kế, các CCN phải trang bị họng nước chữa cháy đến tận cổng doanh nghiệp. Trên thực tế, không hiểu lý do gì mà điều này vẫn chưa thực hiện được nên đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác PCCC. Nếu các CCN có sẵn họng nước như thiết kế, chỉ cần đầu tư một bể nước khoảng 200m3 nữa là đủ chứ 500m3 thì quá sức với nhiều doanh nghiệp. Ông Phong đề nghị, chính quyền cần phải có một số giải pháp và lộ trình hợp lý. Cần căn cứ vào từng quy mô cụ thể của doanh nghiệp để làm từng bước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhưng vẫn đúng luật.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp tại CCN Đông Vĩnh, bên cạnh hậu quả nghiêm trọng của dịch Covid, cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá hoàn toàn bế tắc. Các doanh nghiệp tại CCN này gặp rất nhiều khó khăn do làm ăn thua lỗ, thậm chí đang tính tới việc ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng theo quy định PCCC mới, không có doanh nghiệp nào ở đây có đủ mặt bằng và tài chính để xây dựng hệ thống PCCC đúng tiêu chuẩn. Họ đề nghị chính quyền, Cơ quan PCCC của Công an tỉnh, Sở Công Thương, UBND thành phố Vinh cùng VCCI Nghệ An xem xét, kiến nghị tạm dừng việc xử phạt; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm ra phương án và lộ trình xây dựng hệ thống PCCC phù hợp theo thực trạng để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước.

Giải pháp nào?

Về cơ bản, doanh nghiệp tại các CCN ở thành phố Vinh đều nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC và luôn tuân thủ pháp luật nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi có cháy nổ. Tuy nhiên, quy định mới về PCCC đã làm nhiều doanh nghiệp cảm thấy lúng túng, bế tắc và cần sự giúp đỡ từ chính quyền và Hiệp hội doanh nghiệp. Để có một giải pháp khả thi, bên cạnh những đề xuất, kiến nghị chính đáng từ các doanh nghiệp, chính quyền, cụ thể là Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An cần xin ý kiến cấp trên tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp khắc phục dần. Việc rà soát, tìm hiểu thực trạng của doanh nghiệp trước thời điểm sửa đổi Luật PCCC và Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ Công an xem xét trước khi có quyết định mới. Trong lúc chờ đợi, phương án tối ưu nhất là cần tổ chức đối thoại ba bên, giữa doanh nghiệp, chính quyền và Hiệp hội doanh nghiệp để cùng tìm ra nguyên nhân và giải pháp khả thi nhất./.

Phan Duy Hùng ( Chi nhánh VCCI Nghệ An )